Bảo hiểm nông nghiệp: Khuyến khích nông dân, doanh nghiệp tham gia

02:05, 24/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) được xem là “bà đỡ” giúp nông dân, các thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp (SXNN), nên cần khuyến khích nông dân, doanh nghiệp bảo hiểm tham gia...

TIN LIÊN QUAN

Tôm sú, tôm thẻ chân trắng là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản. Tuy nhiên, do dịch bệnh liên tục xảy ra, nên nhiều người nuôi tôm bị thua lỗ. Vì vậy, khi biết tin hai loại tôm trên được Nhà nước hỗ trợ phí BHNN, người nuôi tôm rất phấn khởi. “Nuôi tôm cần vốn lớn, nhưng rủi ro cao. Nếu được bảo hiểm thì chúng tôi bớt lo hơn”, ông Nguyễn Dũng, ở thôn Dương Quang, xã Đức Thắng (Mộ Đức) cho biết.

Người trồng rau thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sẽ được Nhà nước hỗ trợ tối đa 90% phí BHNN.
Người trồng rau thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sẽ được Nhà nước hỗ trợ tối đa 90% phí BHNN.


Người chăn nuôi trong tỉnh cũng khá sốt sắng khi BHNN được triển khai. Bởi lẽ, nếu bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thì được Nhà nước hỗ trợ một phần nhỏ; còn khi thị trường biến động thì họ rơi vào cảnh “mua đắt bán rẻ”, nên rất khó xoay vòng vốn để tái đàn. “Nếu được bảo hiểm, nông dân sẽ mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi”, ông Mai Xuân Hòa, ở thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh) bày tỏ.
 

Nghị định 58/2018 của Chính phủ quy định: Cá nhân SXNN thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ tối đa 90% phí BHNN. Cá nhân SXNN không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tối đa 20% phí BHNN. Tổ chức SXNN theo mô hình hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường được hỗ trợ tối đa 20% phí BHNN. Đối tượng được hỗ trợ là các loại cây trồng (lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau), vật nuôi (trâu, bò, heo, gia cầm) và thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra).

Nhiều nông dân cho biết, khi Nhà nước hỗ trợ phí BHNN từ 20-90% thì họ sẵn sàng tham gia. Họ cho rằng, SXNN lợi nhuận thấp, nhưng nguy cơ gặp rủi ro thì rất lớn. Do đó, BHNN sẽ là “chiếc phao” giúp nông dân có điều kiện tái đầu tư khi xảy ra rủi ro, thiệt hại.                  

Năm 2013, Chính phủ đã triển khai thực hiện Quyết định 315 về việc thí điểm BHNN ở 20 tỉnh, thành phố. Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí BHNN cho hộ nghèo; 80% cho hộ cận nghèo; 60% cho hộ bình thường và 20% cho các tổ chức.

Sau 3 năm thực hiện, cả nước có trên 304 nghìn hộ dân tham gia (trong đó hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 92%), tổng giá trị được bảo hiểm trên 7.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu phí bảo hiểm chỉ đạt 394 tỷ đồng, trong khi số tiền bồi thường gần 713 tỷ đồng. Vì vậy, dù được Nhà nước hỗ trợ phí, nhưng các đơn vị bảo hiểm vẫn phải bù lỗ 30-40%.

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 58 về BHNN và có hiệu lực vào ngày 5.6 tới. Tuy nhiên theo các đơn vị bảo hiểm, nghị định này vẫn còn một số bấp cập nhất là khi hộ nghèo, cận nghèo được nhà nước hỗ trợ 90% phí BHNN, nên dễ xảy ra tình trạng ỷ lại. Cùng với đó, một số quy định trong Nghị định 58 chưa thực sự hấp dẫn các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tham gia.

Do đó, để BHNN thực sự trở thành “bà đỡ” cho nông dân, thúc đẩy SXNN phát triển, các ngành chức năng cần nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý, có chế tài ràng buộc và tăng trách nhiệm đối với đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm. Đồng thời khuyến khích nông dân liên kết sản xuất theo nhóm, tổ hợp tác để việc tham gia BHNN được thuận lợi và hiệu quả.         


Bài, ảnh: MỸ HOA




 


.