Vụ lúa đông xuân 2017 – 2018: Nhiều tín hiệu vui

09:04, 14/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vụ đông xuân 2017 – 2018, toàn tỉnh gieo sạ hơn 38.227ha lúa, gieo trồng 17.081ha hoa màu. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, từ đầu vụ đến nay, tình hình sâu bệnh, chuột gây hại giảm hơn so với năm trước. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn diễn ra ở một số địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Thường xuyên thăm đồng

Vụ đông xuân năm nay, ông Trần Bến, ở thôn Phổ Văn, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) gieo sạ 5 sào lúa với các giống DH18, KDĐB, Thiên ưu 18. Hiện nay, lúa đã trổ đều, còn khoảng 25 ngày nữa là thu hoạch. Ông Bến cho hay: "Vụ này, tuy lúa bị bệnh đạo ôn, nhưng phòng trừ kịp thời và thời tiết thuận lợi, nên lúa phát triển khá tốt. Nếu thời tiết thuận lợi đến cuối tháng thì vụ này sẽ được mùa”.

Nông dân tích cực thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu bệnh gây hại.Chú trọng phòng trừ sâu bệnh
Nông dân tích cực thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu bệnh gây hại.Chú trọng phòng trừ sâu bệnh


Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh cho biết, vào đầu vụ, thời tiết lạnh kéo dài khiến lúa bị bệnh vàng lá sinh lý. Sau đó, nắng ấm trở lại nên cây lúa phát triển tốt. Sâu bệnh, chuột cắn phá ít hơn năm trước. Toàn huyện có khoảng 120ha lúa bị nhiễm rầy nâu nhẹ. “Hiện nay, phòng đang tích cực chỉ đạo Trạm BVTV theo dõi, hướng dẫn người dân xử lý tình trạng rầy nâu trên cây lúa”, ông Thanh nói.
 

Theo số liệu thống kê của Phòng Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh), vụ đông xuân 2017 – 2018, chuột gây hại khoảng 1.806ha lúa trong giai đoạn làm đòng chắc xanh, với tỷ lệ gây hại phổ biến 5%, có nơi 45% . Bệnh khô vằn gây hại trên 1.524ha lúa trong giai đoạn làm đòng chắc xanh... Ngành nông nghiệp khuyến cáo, trong những ngày tới, nông dân cần tiếp tục diệt chuột để bảo vệ sản xuất, phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn cổ bẹ lá, bệnh lem lép hạt... gây hại trên các trà lúa. Đồng thời chú ý phòng trừ sâu khoang, sâu cuốn lá và các bệnh lở cổ rễ, bệnh héo xanh, héo vàng, bệnh đốm lá, bệnh khô vằn... gây hại cục bộ trên các loại rau màu.

Bà Trần Thị Cúc, ở thôn Hiệp Phổ Bắc, xã Hành Trung (Nghĩa Hành), vừa đi thăm đồng trở về, lo lắng: “Lúa phát triển tốt, trổ đều, nhưng có dấu hiệu sâu cuốn lá xuất hiện, tôi đang phân vân có nên tiếp tục phun thuốc BTTV cho lúa hay không, vì lúa đang trong giai đoạn chắc hạt. Ngoài ra, ngay từ đầu vụ, dù đã làm nhiều cách, từ rải thuốc đến lội ruộng bắt, nhưng ốc bươu vàng vẫn sinh sôi và gây hại cho thân lúa”.

Hình thành cánh đồng lớn

Vụ đông xuân 2017 – 2018, huyện Tư Nghĩa tiếp tục thực hiện chủ trương hình thành cánh đồng lớn, nhằm tăng năng suất, giảm chi phí vận chuyển, tiết kiệm giống và phân bón. Đây là năm thứ 4 huyện Tư Nghĩa triển khai thực hiện 24 cánh đồng lớn trên 320ha, bình quân mỗi cánh đồng từ 7 – 20ha. Dự kiến năng suất vụ lúa đông xuân năm nay của Tư Nghĩa sẽ đạt trên 66tạ/ha.

Tại huyện Nghĩa Hành, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lê Quang Nhu cho hay, huyện đã triển khai thực hiện các mô hình trồng lúa thương phẩm chất lượng cao và lúa giống với diện tích hơn 200ha ở 7 xã. Ngoài ra, huyện còn chuyển đổi 5ha cây trồng; trong đó, chuyển 2ha lúa kém hiệu quả sang trồng đậu phụng, 3ha từ trồng bắp sang trồng đậu.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, vụ đông xuân 2017 - 2018, trên địa bàn tỉnh triển khai 78 cánh đồng lớn sản xuất lúa, với tổng diện tích 1.511ha, tập trung ở các huyện: Mộ Đức, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành... Trong đó có 62 cánh đồng hỗ trợ 100% lúa giống, 3 cánh đồng hỗ trợ 100% lúa giống và 30% vật tư, nông dân tự đầu tư 13 cánh đồng.


Bài, ảnh: BẢO HÒA
 


.