Tàu hành nghề lặn đang giảm

06:04, 06/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ giữa tháng 6.2017 đến nay, toàn tỉnh giảm 11 tàu hành nghề lặn. Đây là tín hiệu vui, vì tỉnh không cho đăng ký thêm phương tiện hành nghề lặn, đồng thời ngư dân cũng mạnh dạn chuyển sang hành nghề khác, đảm bảo việc khai thác an toàn, hiệu quả hơn.

Hơn chục năm làm nghề lặn biển, chủ tàu Phạm Thơ, ở thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn) đã chứng kiến nhiều trường hợp tàu của ngư dân cùng quê hành nghề lặn xâm phạm lãnh hải các nước, nên bị bắt giam. Việc làm đó không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của nước ta trong hoạt động hợp tác nghề cá, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với ngư dân.

Chủ trương đúng đắn

Gặp chúng tôi sau chuyến biển, ngư dân Phạm Thơ chia sẻ: Năm 2016, tàu của anh bị cơ quan chức năng của Úc bắt giam 45 ngày, vì xâm phạm lãnh hải của nước họ. Đó là những ngày gia đình phải sống trong cảnh thấp thỏm, âu lo. "Sau khi được thả về, bản thân tự nhủ sẽ không bao giờ vi phạm nữa", anh Thơ nói. Thời gian sau đó, anh Thơ bỏ nghề lặn, chuyển sang hành nghề lưới màng.

Đến nay, anh Thơ làm nghề này được hơn một năm và nhận thấy an toàn hơn khi hành nghề lặn. Cũng theo anh Thơ, nguồn lợi thủy sản ở tầng đáy ngày càng suy giảm, nên việc hành nghề lặn không còn hiệu quả như trước; xâm phạm lãnh hải các nước khác thì không an toàn nên đành chuyển sang nghề lưới.

Ngư dân Bình Châu ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: T.L
Ngư dân Bình Châu ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: T.L


Cuối tháng 3, toàn tỉnh còn 190 tàu cá hành nghề lặn, giảm 11 chiếc so với tháng 6.2017. Tàu hành nghề lặn tập trung nhiều nhất ở xã Bình Châu (Bình Sơn) và xã An Hải (Lý Sơn). Theo nhiều ngư dân, việc hành nghề lặn cũng ngày càng hiện đại hơn, nếu như trước kia ngư dân dùng mũi lao để lặn săn các loại hải sản, thì nay dùng các thiết bị điện. Cách khai thác theo kiểu tận diệt này khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, việc nhà nước không cấp phép cho đăng ký thêm phương tiện hành nghề lặn là một chủ trương đúng đắn.
 

Mới đây, hơn 100 chủ tàu cá xã Bình Châu đã ký cam kết chấm dứt tình trạng vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài từ đầu tháng 3.2018. Đây là tín hiệu đáng mừng cho hoạt động nghề cá và xuất khẩu thủy sản.

Giám sát tàu hành nghề lặn

Xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu là nơi tập trung nhiều ngư dân hành nghề lặn biển. Đây cũng là “điểm nóng” về tình trạng ngư dân cố tình vi phạm vùng biển các nước khác để khai thác hải sản. Năm 2017, Bình Châu có 13 tàu cá với 191 thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu tài sản. Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ: Nghề lặn mang lại cuộc sống khấm khá cho ngư dân suốt nhiều năm qua. Song, vì lợi nhuận trước mắt mà một số ngư dân bất chấp, cố tình vi phạm vùng biển các nước.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phùng Đình Toàn cho biết: Chủ tàu vi phạm lãnh hải nước ngoài đều hành nghề lặn. Chính vì thế, ngoài việc tuyên truyền chính sách, pháp luật và tổ chức cho chủ tàu ký cam kết không xâm phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài, thời gian tới, ngành chức năng sẽ bắt buộc các tàu hành nghề lặn lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, yêu cầu họ mở máy 24/24. Nếu tàu nào không mở máy khi ra khơi, ngành chức năng sẽ có chế tài xử lý nghiêm khắc. Cụ thể là, vi phạm lần đầu thì nhắc nhở, nhưng nếu tái diễn thì nhà nước sẽ cắt những chính sách hỗ trợ.

NGỌC VIÊN


 


.