Phiên chợ hàng Việt: Sự kết nối còn rời rạc

09:04, 26/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều năm nay, Sở Công thương liên tục tổ chức các phiên chợ hàng Việt ở nông thôn, miền núi, góp phần thiết thực trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, mục tiêu mà hoạt động này đề ra vẫn chưa thực sự đạt được, đặc biệt là kết nối giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp (DN) vẫn còn rời rạc.

TIN LIÊN QUAN

Thay đổi hành vi trong tiêu dùng

 Phiên chợ hàng Việt được tổ chức tại Quảng Ngãi hơn 5 năm qua. Thông qua phiên chợ này để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN trong và ngoài tỉnh quảng bá, cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng ở nông thôn, miền núi. Qua đó, xây dựng thị trường ổn định, bền vững, tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với hàng hóa Việt Nam, góp phần thay đổi hành vi trong tiêu dùng, mua sắm theo hướng ưu tiên sử dụng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ do các DN trong tỉnh và trong nước sản xuất, cung cấp. Hỗ trợ bà con vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi được tiếp cận với nguồn hàng Việt đúng giá, chất lượng đảm bảo.

Doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu giống cây trồng, mặt hàng nông sản  ở phiên chợ hàng Việt tổ chức tại huyện Mộ Đức.
Doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu giống cây trồng, mặt hàng nông sản ở phiên chợ hàng Việt tổ chức tại huyện Mộ Đức.


Với DN, tham gia phiên chợ hàng Việt là cơ hội để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm đến người tiêu dùng, đồng thời hiểu được thói quen mua sắm loại sản phẩm ưa thích mà người dân địa phương sử dụng, để có kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường...

Kết quả chưa như mong đợi

Sau nhiều năm tổ chức, nhưng một số mục tiêu mà ngành công thương đặt ra vẫn chưa đạt như mong muốn. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh,  được Sở Công thương giao nhiệm vụ tổ chức phiên chợ vẫn gặp nhiều khó khăn để kêu gọi DN tham gia, vì một số DN cho rằng, phiên chợ hàng Việt tại miền núi, hải đảo, cơ hội cho quảng bá, giới thiệu, bán hàng không nhiều.

Gần đây, hình thức tổ chức phiên chợ hàng Việt của tỉnh có mở rộng, kêu gọi địa phương đưa nông sản đặc trưng ra giới thiệu, tuy nhiên cũng chủ yếu là các cơ sở, hộ gia đình thu mua, chế biến một số mặt hàng rượu sâm cau, mật ong rừng, gạo rẫy... Các mặt hàng này thường không có xuất xứ, chủ yếu dựa vào niềm tin tiêu dùng của khách hàng.

Người dân đến tham quan, mua sắm ở phiên chợ chủ yếu là ở trung tâm huyện, thị tứ - nơi có hàng hóa dồi dào. Điều mong muốn của người dân khi đến với phiên chợ là, tìm mua những hàng hóa mới, độc và lạ, nhưng hầu như những gian hàng tại phiên chợ lại chủ yếu là hàng cũ, khó tiêu thụ ở các siêu thị, chợ trung tâm.

Giám đốc Sở Công thương Trần Phước Hiền cho biết, ngoài những mục tiêu mà Bộ Công thương yêu cầu, Quảng Ngãi sẽ xây dựng phiên chợ có nét độc đáo riêng, nhằm thu hút người dân nông thôn, miền núi, hải đảo. “Sở sẽ tổ chức đánh giá lại hiệu quả của phiên chợ, để có giải pháp phù hợp, tận dụng cơ hội để đẩy mạnh giao thương, kết nối tiêu dùng hàng hóa Việt Nam ngày càng tốt hơn”, ông Hiền cho biết.


Bài,ảnh: THANH NHỊ


 


.