Làng thanh niên lập nghiệp Ba Tơ: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

10:04, 24/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) Ba Tơ thuộc xã Ba Bích và Ba Lế, sau khi Tỉnh đoàn Quảng Ngãi xây dựng xong đã bàn giao cho UBND huyện Ba Tơ quản lý. Ban đầu có 342 hộ vào làng lập nghiệp, nhưng đến nay chỉ còn dưới chục hộ, nhưng cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Mục tiêu của dự án là giúp thanh niên phát huy vai trò xung kích trong lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế... Khi vào định cư, mỗi hộ được hỗ trợ 10 triệu đồng xây nhà ở và khoảng 1.000m2 đất sản xuất. Phần lớn diện tích dự án là đất sản xuất lâm nghiệp, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế rừng... Anh Phạm Văn Chơm (30 tuổi) là một trong những hộ canh tác ở đây cho biết, lúc đầu vào làng cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu chịu khó thì kinh tế cũng sẽ ổn định. Mỗi vụ thu hoạch keo gia đình anh có được 50 triệu đồng.

Đường vào làng Thanh niên lập nghiệp ở xã Ba Bích (Ba Tơ).
Đường vào làng Thanh niên lập nghiệp ở xã Ba Bích (Ba Tơ).


Tuy nhiên, do việc duy trì các mô hình kinh tế chưa tốt, nên hiện nay có 6 hộ rời làng vì thiếu đất sản xuất. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông, điện, nước... phục vụ sinh hoạt, sản xuất chưa đảm bảo, nên cuộc sống của các hộ gặp nhiều khó khăn. Vợ chồng chị Phạm Thị Hiền (40 tuổi) là một trong những hộ đầu tiên vào làng sinh sống, đến nay đã gần 10 năm và đã chứng kiến nhiều điều không vui.

Chị Hiền kể: "Khi vào, tôi được cấp đất sản xuất và đã trồng keo nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Giờ đây, tôi chuyển qua trồng chuối, mía để kiếm thêm thu nhập". Chị Phạm Thị Chem (40 tuổi) cho biết thêm, người dân trong làng không có nước sạch để sinh hoạt, hằng ngày phải đi gánh nước từ suối về để dùng.

Bí thư Tỉnh đoàn Đặng Minh Thảo cho rằng, những khó khăn ở làng TNLN Ba Tơ rất cần các cấp, ngành liên quan chung tay giải quyết. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để UBND huyện Ba Tơ duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông, điện, nước phục vụ sinh hoạt và đầu tư phát triển kinh tế lâm nghiệp. Thu hồi đất các hộ không còn ở trong làng để cấp cho các hộ có nhu cầu về đất sản xuất. Thời gian đến, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ thực hiện các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp và chuyển giao kỹ thuật để các hộ thanh niên học hỏi phát triển kinh tế gia đình.

Bài, ảnh: TRUNG ÂN

 


.