Làm giàu trên vùng đất trũng

09:04, 23/04/2018
.
 

(Baoquangngai.vn) - Dù có trên 2ha đất canh tác, nhưng vợ chồng ông Nguyễn Phận ở xã Trà Sơn (Trà Bồng) vẫn phải nay đây mai đó làm thuê trang trải cuộc sống, vì đất bị trũng phèn. Cho đến cách đây 10 năm, ông Phận đã mạnh dạn cải tạo vùng đất trũng trở thành trang trại nuôi cá, tạo thu nhập ổ định cho gia đình.

TIN LIÊN QUAN

Biến đầm hoang thành trang trại
 
Cách thị trấn Trà Xuân chừng 3km; chạy xe men theo con đường đê quanh co, chúng tôi tới trang trại cá của ông Nguyễn Phận. Vừa bước qua cánh cổng là một bầu không khí mát rượi bao trùm khắp trang trại. Ao cá rộng mênh mông in bóng những hàng cau, xua tan  đi hơi nóng bốc lên từ đường bê tông. 
 
Dẫn chúng tôi thăm khu ao nuôi cá, ông thổ lộ: Vùng đất này xưa kia vốn dĩ là vùng đất trũng, chỉ canh tác được một mùa lúa. Cuộc sống gia đình với năm miệng ăn trông vào 2 sào ruộng nên khá chật vật. Vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn, cố lắm cũng chỉ dừng lại ở mức đủ ăn. 
 
N
Mô hình nuôi cá nước ngọt thương phẩm của ông Nguyễn Phận mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Đến năm 2007, nhờ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh triển khai mô hình nuôi cá nước ngọt thương phẩm, gia đình được hỗ trợ 3.000 con giống cá trê lai nên tôi đã mạnh dạn cải tạo đầm lầy đào ao nuôi cá,  phát triển kinh tế trang trại. 
 
Những ngày đầu cải tạo đất thực sự là những ngày vất vả đối với ông Phận. Ông nhớ lại, toàn bộ vốn liếng từ đàn gà và tiền tích cóp của hai vợ chồng từ việc đi làm thuê; làm mướn đều đầu tư vào cải tạo làm ao nuôi cá. 
 
Bắt tay vào cải tạo đất, ngày ngày vợ chồng phải dậy từ rất sớm, cần mẫn dầm mình dưới đồng trũng để phát cỏ dại, rắc vôi khử phèn cải tạo đất. Trải qua bao tháng ngày  gian khó, vất vả của những ngày đầu mở đất, đến nay gia đình ông đã mở rộng diện tích ao nuôi lên đến 2.000m2.
 
"Ban đầu, trên diện tích ao 300m2, gia đình thả nuôi 3.000 con giống cá trê lai. Nhờ cán bộ khuyến nông của huyện tư vấn và hướng dẫn kỹ thuật, sau hơn 5 tháng nuôi gia đình thu tổng sản lượng hơn 1 tấn cá, thu về 45 triệu đồng, chú cũng lãi được 10 triệu đồng”, ông Phận phấn khởi cho hay.
 
Tự tin làm giàu
 
Vừa làm, ông Phận vừa học tập qua tài liệu áp dụng vào thực tế, đồng thời luôn tích lũy kinh nghiệm trong quá trình nuôi nên nhiều năm qua việc nuôi cá của gia đình ông luôn cho hiệu quả kinh tế cao.
 
Mỗi vụ, ông Phận thả khoảng 1.000 con cá trê, 200 con cá chép, 100 con cá rô đồng giống. Với các loại thức ăn cho cá chủ yếu là cám gạo, bắp, cá tạp, ốc, giun, phế phẩm lò mổ... nấu chín 3 lần/ tuần rải một góc trong ao. Sau 5 tháng, tổng nguồn thu từ 4 ao nuôi trên 2ha, gia đình ông thu được 50 triệu đồng, trừ chi phí còn cho thu lãi hơn 10 triệu đồng/lứa. Như vậy, mỗi năm gia đình ông có thể thu hoạch 2 lứa, thu lãi trên 100 triệu đồng từ mô hình này. 
 
Theo ông Phận, việc nuôi đa dạng các loại cá này là chúng ăn ở các tầng nước khác nhau, do vậy thức ăn không bị dư thừa làm ảnh hưởng đến môi trường, tiết kiệm được thức ăn, giảm được chi phí đầu tư, thu lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách thả nuôi truyền thống.
 
C
    Sau hơn 5 tháng thả nuôi, lứa cá trê đã đạt trọng lượng từ 0.5 - 1 kg/con. 
 
Ngoài ra, tận dụng diện tích mặt nước ao, gia đình ông còn đầu tư thả nuôi 100 con vịt đẻ. Như vậy, tiền lãi từ bán trứng vịt mỗi tháng cũng được 500.000 đồng. Tính ra đàn vịt mỗi năm góp cho gia đình ông chừng 6 triệu đồng. 
 
“Gia đình đang tính thả nuôi thêm 200 con vịt đẻ, đồng thời tận dụng nguồn nước ngầm có sẵn tôi thả nuôi thí điểm 200 con cá chình để cải thiện kinh tế. Diên tích đất còn lại tôi đã quây lưới B40 để thả nuôi thêm gà, trồng cây bưởi da xanh”, ông Phận vui vẻ nói về dự định sắp tới. 
 
Ông Vũ Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Sơn, cho biết, mô hình của ông Phận đang được nhiều bà con trong vùng đến học hỏi kinh nghiệm và làm theo. Từ vùng đất trũng phèn nặng chỉ canh tác được một vụ lúa  mà nay gần 2ha đất của gia đình ông Phận đã là trang trại cá cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2 -3 lần so với trồng lúa. 
 
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Nguyễn Phận còn chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ các hộ nghèo tại địa phương biết cách làm ăn để cùng vươn lên thoát khỏi cái nghèo, ổn định cuộc sống gia đình. 
 
Bài, ảnh: P.TIÊN
 
 
 
 
 

.