Hiệp định thương mại EU: Cơ hội và thách thức

04:04, 08/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực vào giữa năm 2018. Hiệp định này được nhận định sẽ tác động trực tiếp, tích cực tới nền kinh tế Việt Nam, trong đó có Quảng Ngãi thông qua xuất khẩu hàng hóa và thu hút đầu tư.

Sau nhiều năm liên tiếp kim ngạch xuất khẩu (XK) không đạt chỉ tiêu đề ra thì đến năm 2017, Quảng Ngãi vượt chỉ tiêu kế hoạch (440 triệu USD/345 triệu USD).

Những chuyển động tích cực

Năm 2018, chỉ tiêu kim ngạch XK của Quảng Ngãi là 450 triệu USD. Trong 3 tháng đầu năm, ước đạt 116,9 triệu USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt 26% kế hoạch năm. Mặt hàng có kim ngạch XK tăng so với cùng kỳ năm ngoái, gồm: Sản phẩm cơ khí 38,5 triệu USD, tăng 154,6%; thực phẩm chế biến 2,129 triệu USD, tăng 83%; đồ gỗ 1,4 triệu USD, tăng 9,1%; sợi bông 11,3 triệu USD, tăng 8%...

 Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu cho hàng dệt may. Trong ảnh: Công nhân Công ty May xuất khẩu Vinatex trong ca sản xuất.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu cho hàng dệt may. (Trong ảnh: Công nhân Công ty May xuất khẩu Vinatex trong ca sản xuất).


Giám đốc Sở Công thương Trần Phước Hiền cho biết, Hiệp định EVFTA sẽ tác động tích cực cho cả Việt Nam và EU, trong đó có Quảng Ngãi, nhất là về XK. Cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA sẽ là “cú huých” quan trọng để thúc đẩy quan hệ thương mại, mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng XK, đặc biệt là những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải. Về việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo các DN Quảng Ngãi đây không phải là điều gây quá nhiều khó khăn cho hoạt động XK.

Về thu hút đầu tư, Quảng Ngãi đang có nhiều tiềm năng, lợi thế. Ngoài vai trò điểm đến, Quảng Ngãi còn là địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực. Việc ký kết với một đối tác phát triển mạnh như EU sẽ mở ra nhiều cơ hội tiếp cận với công nghệ hiện đại, học hỏi kỹ năng quản lý, nâng cao tay nghề, tạo thêm việc làm cho người lao động, giúp tăng cường an sinh xã hội cho Quảng Ngãi.
 

Giám đốc Sở Công thương Trần Phước Hiền, khuyến cáo: DN cần chủ động tìm hiểu sâu hơn về hiệp định này, kế hoạch dài hạn là phải xây dựng thương hiệu, đảm bảo đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa.

Nhiều thách thức phía trước

Theo Giám đốc Sở Công thương Trần Phước Hiền, muốn tận dụng tốt cơ hội mà Hiệp định FTA đem lại, DN Quảng Ngãi cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Trước hết chính là sức ép cạnh tranh trên thị trường nội địa. Đây là thực tế không tránh khỏi khi hàng hóa, dịch vụ trong tỉnh phải cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa, dịch vụ của DN Việt Nam và nước ngoài. Vì thế, các DN trong tỉnh cần xác định rõ cạnh tranh là không thể tránh khỏi và cạnh tranh cũng là một cơ hội tốt để phát triển.

Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA hướng tới xóa bỏ thuế NK lên tới gần 100% biểu thuế và kim ngạch thương mại của các bên. Tuy nhiên, hàng hóa phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ mà Việt Nam và EU đã thống nhất trong hiệp định, nên DN cần nghiên cứu quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm XK cụ thể của mình. Khi các DN không đảm bảo được các quy tắc ứng xử sẽ phải chịu thiệt thòi, tức là hàng hóa phải chịu thuế cao hơn so với mức thuế ưu đãi.

Quảng Ngãi hiện có khoảng 5.000 DN, nhưng chủ yếu là DN vừa và nhỏ; chưa nắm bắt đầy đủ đối với vấn đề xuất xứ hàng hóa, trong khi một số quy tắc xuất xứ trong các EVFTA lại quá chặt chẽ, không đáp ứng được.  Thị trường EU có yêu cầu cao, nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn đối với hàng công nghiệp và tiêu chuẩn vệ sinh kiểm dịch động thực vật đối với nông sản, thực phẩm NK từ nước ngoài. Người tiêu dùng EU cũng có thị hiếu và nhu cầu khá cao.

Chẳng hạn việc xuất khẩu thủy sản, một trong những mũi nhọn xuất khẩu của tỉnh trong hiện tại và cả tương lai, do vi phạm ngư trường, dẫn đến không xác định được nguồn gốc xuất xứ, đang bị EU rút “thẻ vàng” cảnh báo. Theo kế hoạch, đến tháng 8.2018, nếu tình trạng này không chấm dứt hoàn toàn, EU sẽ rút “thẻ đỏ”, khi đó mặt hàng thủy sản của Việt Nam trong đó có Quảng Ngãi sẽ không vào được thị trường EU.


Bài, ảnh: THANH NHỊ


 


.