Vì những chuyến biển an toàn

10:03, 25/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tỉ mỉ, cần mẫn với nghề, những người làm nghề thợ máy tàu cá đang lặng lẽ đồng hành cùng ngư dân trong từng chuyến biển. Đây là nghề đang mang lại thu nhập khá cho nhiều lao động tại các xã ven biển.

Chưa được học qua trường lớp, cũng không có bằng cấp; hầu hết những người làm nghề bảo dưỡng, sửa chữa máy tàu cá đều học nghề theo kiểu “cha truyền con nối”, hoặc học nghề lẫn nhau. Bằng tinh thần trách nhiệm, cầu tiến trong nghề, những cơ sở sửa máy tàu tại các xã ven biển đã nhận được sự tin tưởng và là “điểm tựa” của ngư dân khi máy móc xảy ra sự cố.

Là một trong những cơ sở sửa chữa máy tàu cá lâu năm nhất tại xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), chủ cơ sở cơ khí Thanh Châu (thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ) Phan Thanh Châu, chia sẻ: “Đâu chờ đến khi về bờ, ngư dân mới tìm đến những người thợ như chúng tôi, mà cả khi đang ở ngoài khơi xa, cứ máy tàu cá có vấn đề là họ gọi điện thoại mô tả tình hình và bảo mình tư vấn. Mỗi lần như thế, khi hỏng hóc nhẹ, thì mình hướng dẫn thao tác cho họ tự sửa, còn nếu hỏng nặng, thì tư vấn họ liên hệ với các đảo gần nhất, để nhận được sự hỗ trợ”.

Các thợ sửa chữa tàu cá luôn sẵn sàng mỗi khi các chủ tàu yêu cầu bảo dưỡng hay sửa chữa.
Các thợ sửa chữa tàu cá luôn sẵn sàng mỗi khi các chủ tàu yêu cầu bảo dưỡng hay sửa chữa.


Cũng đã gắn bó với nghề máy tàu 25 năm nay, ông Phan Thanh Sơn, thợ máy của cơ sở cơ khí, sửa chữa máy tàu của ông Võ Văn Hà (xã Tịnh Kỳ), cho biết: “Để  làm nghề này, tôi phải lên TP.Quảng Ngãi ăn ở ngay tại xưởng, để học nghề theo kiểu “cầm tay chỉ việc” gần 7 năm. Hiện, tôi đã làm nghề được 25 năm, nhưng vẫn phải học hỏi không ngừng, bởi các loại máy tàu cá thay đổi liên tục, nếu không cầu tiến, mình sẽ bị tụt hậu ngay”. Cả ngày quần quật bên các loại máy móc, thiết bị; bù lại, ông Sơn được trả tiền công gần 10 triệu đồng/tháng. "Đây là mức thu nhập khá ở nông thôn, nên tôi rất hài lòng", ông Sơn nói.

Không chỉ sửa chữa tại chỗ, nhiều cơ sở sửa chữa máy tàu cá còn linh động triển khai dịch vụ sửa chữa lưu động, để đáp ứng mọi nhu cầu của ngư dân. “Vừa rồi, thuyền tôi đang ở gần khu vực đảo Cát Bà (Hải Phòng) thì gặp trục trặc về máy. Vậy mà, chỉ cần một cuộc điện thoại là mấy anh em thợ sửa máy đã lặn lội từ Quảng Ngãi ra tận Hải Phòng để sửa. Nhờ những dịch vụ sửa chữa máy tàu lưu động như thế, ngư dân chúng tôi đỡ vất vả và giảm được rất nhiều chi phí”, anh Nguyễn Văn Khánh, một ngư dân Lý Sơn chia sẻ.

“Khi bán các loại máy, thiết bị cho ngư dân, công ty chúng tôi đảm nhận luôn trách nhiệm bảo dưỡng, sửa chữa khi ngư dân cần. Vì vậy, dù tàu ngư dân đang neo ở bất cứ tỉnh, thành nào chúng tôi đều có đội sửa chữa lưu động đến tận nơi, để sửa chữa cho họ”, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên cơ khí và sản xuất Thanh Tuấn (Đức Phổ) Trương Thanh Tuấn, cho biết.

Toàn tỉnh hiện có 5.646 tàu cá, với tổng công suất hơn 1,6 triệu CV, trong đó có 1.644 chiếc đủ điều kiện tham gia khai thác ở vùng biển xa. Với cơ cấu đội tàu thuyền trên địa bàn tỉnh tăng nhanh cả về số lượng và công suất, nên nhiều cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa máy tàu tại các xã có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn như Tịnh Kỳ, Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi); Phổ Thạnh (Đức Phổ)... đang tăng thêm nhân lực và vận hành hết công suất mới đáp ứng kịp thời nhu cầu của ngư dân.


Bài, ảnh: Ý THU

 


.