Tây Trà: Tiếp vốn cho người nghèo

02:03, 26/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Là huyện miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Tây Trà đã nỗ lực đưa nguồn vốn đến tận tay người nghèo để họ đầu tư phát triển sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.

TIN LIÊN QUAN

Phát huy hiệu quả vốn giảm nghèo

Sau khi nhường đất cho Dự án thủy điện Nước Trong, cuộc sống của người dân vùng tái định cư thôn Nước Biếc, thôn Tre, xã Trà Thọ gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện đã giúp cho nhiều hộ dân có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Nhờ vốn chính sách, nhiều hộ dân ở xã Trà Thọ (Tây Trà) đã vay vốn đầu tư trồng rừng, vươn lên thoát nghèo.
Nhờ vốn chính sách, nhiều hộ dân ở xã Trà Thọ (Tây Trà) đã vay vốn đầu tư trồng rừng, vươn lên thoát nghèo.


Một trong những hộ điển hình trong vay vốn đầu tư trồng rừng, chăn nuôi bò vươn lên thoát nghèo ở khu tái định cư Nước Biếc là anh Hồ Văn Sâm, ở tổ 4, thôn Nước Biếc. Anh Sâm, chia sẻ: “Hồi về đây, tôi không có đất để sản xuất, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Thông qua Hội Nông dân xã, tôi đã vay 20 triệu đồng của Ngân hàng CSXH để mua keo giống, mua bò về nuôi. Nhờ vậy, gia đình tôi đã thoát nghèo, trả hết nợ cho ngân hàng”. Nhận thấy vay vốn làm ăn có hiệu quả, anh Sâm tiếp tục vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách dành cho hộ mới thoát nghèo, để tái đầu tư sản xuất. Đến nay, anh Sâm đã sở hữu 8ha keo cùng 4 con bò, 1 con trâu.
 

Đến hết tháng 2.2018, tổng dư nợ ở 13 chương trình tại Ngân hàng CSXH huyện Tây Trà gần 63 tỷ đồng, với trên 3.700 khách hàng còn dư nợ. Bên cạnh hoạt động đưa nguồn vốn đến tay người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, công tác huy động tiền gửi tiết kiệm của người dân ở vùng cao Tây Trà cũng ngày một hiệu quả. Trong đó, xã có số tiền gửi tiết kiệm cao như Trà Thọ trên 5 tỷ đồng.

Không riêng gì anh Sâm, mà đến thời điểm này, nguồn vốn của Ngân hàng CSXH đã đến với nhiều hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu về vốn. Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thọ Hồ Thị Hồng Nga, cho biết: “Chính quyền địa phương đã tăng cường phối hợp với các hội, đoàn thể để tuyên truyền cho người dân nắm rõ các chế độ chính sách, nhất là nguồn vốn giảm nghèo, giúp họ kịp thời tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, để đầu tư trồng rừng, chăn nuôi... Từ đó cuộc sống của họ đã dần được cải thiện”.

Bên cạnh nguồn vốn dành cho hộ nghèo, nguồn vốn cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn cũng đã phát huy hiệu quả, với tổng dư nợ đứng thứ hai trong 13 chương trình cho vay. Nguồn vốn trên đã giúp hàng trăm hộ dân miền núi có điều kiện vay đầu tư, kinh doanh buôn bán nhỏ, từ đó tạo ra thu nhập.

Vốn vay làm nhà dư nợ lớn

Trong khi các địa phương đang gặp khó khăn trong việc giải ngân nguồn vốn theo Quyết định 33 của Chính phủ, thì huyện Tây Trà lại là địa phương có con số giải ngân cao nhất tỉnh. Đến nay, đã có gần 210 hộ vay, với dư nợ trên 5,1 tỷ đồng.

Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Tây Trà Huỳnh Huy, cho biết: “Đối với Tây Trà, nguồn vốn cho vay theo Quyết định 33/CP được phân khai cao. Vì vậy, trong 2 năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã nỗ lực giải ngân nguồn vốn này. Thực tế, để xây dựng căn nhà với số tiền 25 triệu đồng, thì không đủ. Nhưng do người dân đã có sẵn cột, kèo và mái ngói, nên vay vốn để xây dựng tường nhà thay cho vách lồ ô và đổ nền xi măng thay cho nền đất theo đúng tiêu chuẩn”.

Mặc dù vậy, theo ông Huy, với nguồn vốn cho vay chỉ 25 triệu đồng của ngân hàng mà không có thêm nguồn hỗ trợ nào khác, thì các hộ ở xa trung tâm xã, nơi khó tập kết vật liệu rất khó có cơ hội để làm nhà. Do đó, trong thời gian đến cần có sự hỗ trợ từ Quỹ vì người nghèo, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, chính quyền địa phương... để góp phần tăng thêm nguồn lực giúp người nghèo, hộ khó khăn ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện làm nhà.



Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.