Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm trong nông nghiệp

03:03, 23/03/2018
.

(Baoquangngai.vn) – Để tiếp tục giải quyết những vấn đề nổi cộm trong an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), năm 2018, ngành nông nghiệp sẽ hành động quyết liệt, siết chặt quản lý ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp.

TIN LIÊN QUAN


Chuyển biến tích cực


Việc buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả, chất bảo quản trong thịt gia súc, gia cầm… ở mức cao làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. ATTP là vấn đề nổi cộm, gây bức xúc của toàn xã hội trong những năm qua.

Phó chi cục trưởng Chi cục Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản (CLNLTS) Nguyễn Đức Bình cho biết: Năm 2017, là “Năm cao điểm hành động vì vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp”,  chi cục và các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, kịp thời, nhờ đó, công tác quản lý ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực.

Nhận thức của cả hệ thống chính trị về ATVSTP được nâng lên rõ rệt, đặc biệt các cơ sở sản xuất kinh doanh buôn bán sản phẩm, người tiêu dùng. Kết quả công tác quản lý được nâng lên cả về chất lẫn về lượng. Kết quả kiểm tra, giám sát, tỷ lệ mẫu đạt cao, tỷ lệ mẫu chưa đạt thấp.

 

Cán bộ thú y kiểm dịch tại cơ sở giết mổ tập trung ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh).
Cán bộ thú y kiểm dịch tại cơ sở giết mổ tập trung ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh).


Trong năm 2017, đã lấy 135 mẫu NLTS, chỉ phát hiện  2 mẫu không đảm bảo. Đối với lĩnh vực vật tư nông nghiệp (VTNN) đã kiểm tra 348 cơ sở, kết quả có 170 cơ sở xếp loại A, 181 cơ sở xếp loại B và 17 cơ sở xếp loại C.

Kiểm tra ATTP 421 cơ sở sản xuất, kinh doanh NLTSTP, trong đó, kiểm tra lần đầu 182 lượt có 20 lượt xếp loại A, 152 xếp loại B và 10 lượt xếp loại C. Tái kiểm tra cơ sở loại C 11 lượt, kết quả 11 lượt xếp loại B.

Kiểm tra định kỳ 512 lượt, có 33 lượt xếp loại A, 473 lượt xếp loại B và 6 lượt xếp loại C. Đến nay, còn 5 cơ sở xếp loại C. Trong quá trình kiểm tra đã thực hiện lấy 153 mẫu text nhanh chất cấm sabutamol của nước tiểu heo. Tất cả các mẫu đều âm tính.

Lực lượng thanh tra đã thanh tra tại 437 cơ sở kinh doanh VTNN, phát hiện 37 cơ sở có hành vi vi phạm, phạt tiền 22 cơ sở với số tiền hơn 181 triệu đồng. Qua thanh, kiểm tra tại 550 cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN, phát hiện 86 cơ sở có hành vi vi phạm, phạt tiền 1 cơ sở với số tiền hơn 400 triệu đồng.

Trong quá trình thanh, kiểm tra đã thực hiện lấy mẫu text nhanh 28 mẫu, chưa phát hiện mẫu nào có hàn the, ure, formol, sabutamol. Ngoài ra, lực lượng công an cũng phát hiện 43 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về ATTP. UBND các xã, phường, thị trấn đã tổ chức thực hiện ký cam kết 1.365 cơ sở.


Siết chặt quản lý

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô, mặc dù vấn đề ATTPNLTS đã được kiểm soát tốt hơn, tuy nhiên, trên thực tế, thực trạng vi phạm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa xây dựng hoàn thiện chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn.

 

Sản xuất rau an toàn tại Công ty Qnasafe.
Sản xuất rau an toàn tại Công ty Qnasafe.


Công tác lấy mẫu phục vụ cho quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát còn ít và chưa thực hiện thường xuyên. Hiện nay, vẫn chưa thống kê được số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN và sản phẩm NLTS trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho biết, năm 2018, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục siết chặt quản lý ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Song với việc tăng cường tuyên truyền về ATTP đến người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh, các lực lượng chức năng sẽ siết chặt quản lý, tăng cường giám sát, thanh, kiểm tra tập trung thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm.

Trong đó, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến ATTP, ký kết giữa hai bên MTTQ các cấp với các hội nông dân và hội phụ nữ. Đặc biệt, công tác ATTP không thể tách rời với Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, cải tiến nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới.

Ngành cũng khuyến khích, hỗ trợ xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Đặc biệt, việc Nghị định số 15 của Chính phủ ra đời thay thế Nghị định số 38 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP được xem là cuộc cách mạng trong QLATTP.

Nghị định sẽ giảm đáng kể thủ tục hành chính, thay đổi căn bản về phương thức quản lý ATTP từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân quyền mạnh mẽ hơn và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sản phẩm của mình để bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng.

Bài, ảnh: A.KIỀU

 


.