Người phụ nữ đa năng

02:03, 07/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp 1 Bình Chương (Bình Sơn) chị Hoàng Thị Ba (55 tuổi). Là phụ nữ, nhưng chị xốc vác và có nhiều đóng góp để đưa HTX đi lên. Đặc biệt, chị là một cán bộ thú y giỏi của xã được nhiều người tin tưởng, yêu mến...

Từ một chủ nhiệm HTX nhiệt huyết...

Với chất giọng to khỏe, dứt khoát mỗi khi giao tiếp đã tạo nên đặc điểm riêng của một nữ giám đốc HTX. Đồng thời thể hiện sự nhanh nhẹn, nhiệt huyết, tháo vát của một người phụ nữ thuần nông, đậm chất miền Trung.

Chị Hoàng Thị Ba tiêm thuốc cho bò của người dân ở thôn An Điềm 1, xã Bình Chương bị bệnh.
Chị Hoàng Thị Ba tiêm thuốc cho bò của người dân ở thôn An Điềm 1, xã Bình Chương bị bệnh.


Tốt nghiệp ngành thú y năm 1983, chị Ba về xin vào làm việc tại HTX NN Bình Chương; đồng thời đảm nhận công tác thú y của xã. Đến năm 1990, chị được bà con xã viên tin tưởng bầu làm Phó Chủ nhiệm HTX. Dù tuổi đời lúc bấy giờ còn rất trẻ, trong khi làm lãnh đạo của một HTX nông nghiệp lại là chuyện thường thấy của đàn ông, thế nhưng chị Ba vẫn luôn gắn bó và nỗ lực để đưa HTX ngày một phát triển.

Qua 35 năm gắn bó với HTX, nhất là khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012 và hoạt động như một doanh nghiệp thì sự nỗ lực, quyết đoán của chị càng trở nên khó khăn. Làm thế nào để hoạt động có lãi, có tiền để trả lương cho đội ngũ cán bộ, nhưng vẫn phục vụ được cho bà con nông dân là cả một vấn đề. Vì thực tế, đã có nhiều HTX phải giải thể vì không có năng lực cạnh tranh.

Chị Ba, chia sẻ: “Lúc mới đảm nhận chức Chủ nhiệm HTX vào năm 2003, tôi đã lo lắng rất nhiều và sút gần 8 ký. Song nhờ sự đồng lòng của tập thể HTX cũng như bà con xã viên, nên đã tiếp thêm động lực, niềm tin để giúp HTX đứng vững và phát triển đi lên”.
 

Với sự nỗ lực và đóng góp cho HTX, năm 2011, chị Ba được Bộ NN&PTNT tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đây là phần thưởng tiếp thêm nghị lực để chị Ba tiếp tục phấn đấu, đóng góp cho HTX nông nghiệp và cũng chính là sự phát triển nông nghiệp của địa phương.

...đến một thú y yêu nghề

Nhắc đến chị Hoàng Thị Ba, người dân xã Bình Chương dường như đã quá quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ mang chiếc túi xách đến khắp các ngõ ngách làng quê để tiêm ngừa, chích thuốc và đỡ đẻ cho trâu, bò mỗi khi có người gọi. Mọi người gắn cái tên thân thuộc “cô Ba thú y” với cái nghề của chị.

Ông Phạm Công, thôn An Điềm 1, xã Bình Chương, cho biết: “Ở đây trâu, bò nhà ai bị đau hay đẻ khó đều gọi cô Ba đến. Công nhận cô Ba mát tay thiệt, chích mũi thuốc là trâu, bò bị bệnh đỡ ngay”.

Đến bây giờ dù đã bước qua tuổi 55, sức khỏe cũng không còn như trước, nhưng chị Ba vẫn chưa có ý định bỏ nghề. Bởi đối với chị, cái nghề này không những giúp chị có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học mà sâu xa hơn nữa là niềm đam mê của chị. Chị cho rằng, cũng nhờ làm công tác thú y mà chị có cơ hội để đến được hầu hết tất cả nhà của mọi người dân trong thôn, xã. “Trong quá trình làm thú y, mình hiểu được hoàn cảnh của từng hộ, có cơ hội để chia sẻ, động viên lúc họ cần. Đối với những hộ khó khăn, mình sẽ lấy ít tiền lại, giúp họ đỡ gánh nặng hơn mỗi khi trâu bò, heo gà bị bệnh”, chị Ba chia sẻ.

Đối với cánh đàn ông, công việc thú y còn khiến nhiều người e ngại, vì mỗi lần tiêm phòng hay chích thuốc bệnh cho trâu, bò phải vào chuồng, đôi khi lấm lem người vì những vật nuôi “khó tính”. Do vậy, khi điều kiện kinh tế không còn khó khăn, nhiều người đã bỏ nghề hoặc chuyển sang nghề khác. Thế nhưng, đối với chị Ba, công việc ấy đã trở thành cái nghiệp, với nhiều niềm vui.

Khi được hỏi tại sao là phụ nữ, nhưng chị lại chọn học nghề thú y và gắn bó với nghề đến tận bây giờ, chị Ba chỉ cười bảo: “Không quan trọng là việc đó của phụ nữ hay nam giới, mà chỉ cần mình yêu thích nó, có khả năng làm được thì không phải e ngại. Bởi một khi làm tốt cái nghề của mình thì trước hết là đem lại cho kinh tế của bản thân, sau nữa là giúp đỡ được mọi người. Như thế có gì vui hơn”.
 

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.