Ngư dân xuất ngoại vươn khơi

03:03, 01/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ những người quanh năm quen với việc vươn khơi, đánh bắt hải sản tại quê nhà, nhiều ngư dân ở Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) đã mạnh dạn sang nước bạn làm ngư dân và nhạy bén thích nghi với môi trường mới, phương thức đánh bắt mới.

TIN LIÊN QUAN


Hòa cùng không khí tất bật vươn khơi của các ngư dân trên địa bàn tỉnh, những ngư dân Tịnh Kỳ xuất khẩu lao động cũng vội vã chuẩn bị hành lý để trở lại Hàn Quốc sau thời gian về nước nghỉ Tết Nguyên đán. Trong hành lý mang theo của mình, anh Nguyễn Văn Ra, ở thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ chu đáo gói ghém theo găng tay, áo ấm. Anh Ra bảo: “Ở Hàn Quốc có những tháng nhiệt độ hạ xuống dưới 0 độ C. Mình phải chuẩn bị quần áo ấm thật kỹ mới có thể ra biển đánh bắt trong thời tiết như vậy”.

Ngư dân Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cùng các ngư dân Quảng Bình trên tàu đánh bắt gần bờ tại Hàn Quốc. Ảnh: NGUYỄN VĂN RA
Ngư dân Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cùng các ngư dân Quảng Bình trên tàu đánh bắt gần bờ tại Hàn Quốc. Ảnh: NGUYỄN VĂN RA


Anh Ra sang Hàn Quốc hành nghề đánh bắt gần bờ đến nay đã 3 năm. Ngần ấy thời gian làm việc ở nước bạn, đủ để anh học hỏi và quen dần với môi trường mới. “Trước đây, khi còn ở Tịnh Kỳ, tôi toàn ra khơi trên tàu vỏ gỗ và phải kéo lưới bằng tay. Khi qua bên Hàn, hễ đánh bắt xa bờ thì đi tàu vỏ thép, còn gần bờ thì tàu composite. Các công đoạn như kéo lưới, mang cá lên bờ, đều dùng máy, cần cẩu... nên khi sang Hàn, tôi phải học lại từ đầu các thao tác, cũng như cách sử dụng các loại máy móc”, anh Ra kể.

Nhiều ngư dân cho biết, khi đánh bắt hải sản ở Hàn Quốc phải học thuộc lòng các điều cấm. Bởi ở nước này, lực lượng kiểm ngư kiểm tra hoạt động đánh bắt của các tàu cá mỗi ngày và xử phạt rất nặng đối với các chủ tàu có hành vi đánh bắt các loại hải sản cấm.

Đi trên tàu làm nghề đáy cố định công suất 1000CV, đánh bắt cách bờ khoảng 5 hải lý, nên mỗi ngày, anh Ra chỉ phải làm việc trên biển khoảng 3 giờ, còn lại, là phân loại cá, sửa lưới ở đất liền. Bình quân mỗi ngày, anh Ra làm việc từ 14 - 16 tiếng. Riêng những tháng mùa đông (từ tháng 12 –tháng 2), anh cùng các ngư dân được giảm thời gian làm việc xuống còn 12 tiếng/ngày. Từ mức lương của năm đầu tiên sang Hàn Quốc là 30 triệu đồng/tháng, đến nay, thu nhập của anh Ra đã tăng lên 36 triệu đồng/tháng.

Cũng khăn gói sang Hàn làm ngư dân từ giữa năm 2017, anh Võ Quốc Hùng, ở Tịnh Kỳ cho biết: “Làm biển thì làm ở đâu cũng vậy. Mình quen biển giã từ nhỏ rồi, nên dẫu bên Hàn có khác biệt đôi chút với bên mình thì chỉ cần chịu khó học hỏi một thời gian là thành thục ngay. Chỉ có điều, thời tiết bên ấy khác xa bên mình, nên đã xác định qua Hàn Quốc để làm việc thì phải chịu khó, kiên trì”.

Với mức thu nhâp dao động từ 30 – 50 triệu đồng/tháng, số lượng ngư dân của Tịnh Kỳ xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc ngày càng tăng. Và chính điều đó, đã tạo nên động lực, sự gắn kết cho các ngư dân khi làm việc xa xứ. “Ở cảng tôi làm có 5 người Quảng Ngãi. Xa quê mà gặp được đồng hương là quý lắm, nên cứ đến cuối tuần là mấy anh em lại ngồi lại với nhau để tâm sự chuyện nhà, chuyện nghề”, anh Võ Quốc Hùng cho biết.

Còn theo ngư dân Nguyễn Văn Ra, tàu anh làm việc có 9 người, thì có đến 6 người Việt Nam gồm anh và 5 ngư dân khác quê ở Quảng Bình. Vậy nên, không khí làm việc lúc nào cũng gần gũi, thân thuộc. “Người Việt qua đây làm việc khá đông, nên người ta có sẵn các khu ăn uống cho người Việt. Vì vậy, hễ mấy anh em nhớ các món ăn Việt Nam là lại rủ nhau đi ăn. Ấm áp, chân tình lắm, chứ không đơn lẻ đâu!”, anh Ra nói.


Ý THU
 


.