Kỷ niệm 43 năm ngày Giải phóng Quảng Ngãi (24.3.1975-24.3.2018):
Vững bước đi lên

04:03, 24/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với sự phấn đấu bền bỉ, ý chí vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi đã và đang tạo ra những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.


Như là sự bù đắp của lịch sử, những vùng đất chịu nhiều đau thương trong chiến tranh giờ đây đang hồi sinh mạnh mẽ. Đó cũng là thành quả cách mạng mang lại sau 43 năm, kể từ ngày quê hương giải phóng.

Sức sống mới trên vùng "đất lửa"

Vùng đất Vạn Tường trước đây là một trong những chiến trường ác liệt nhất trong chiến tranh. Nơi đây vào năm 1965, Trung đoàn Ba Gia cùng với quân và dân địa phương đã đập tan chiến dịch “Ánh sáng sao” của quân viễn chinh Mỹ, mở ra thời kỳ đánh Mỹ trên toàn miền Nam. Những năm sau này, vùng đất Vạn Tường tiếp tục chịu nhiều đau thương bởi chiến tranh và đỉnh điểm là cuộc thảm sát ở Bình Hòa (12.1966). Sau ngày giải phóng, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của cán bộ, nhân dân trong tỉnh, nơi đây đã hình thành khu kinh tế năng động nhất miền Trung.

Trung tâm Thành phố Quảng Ngãi. Ảnh: Mai Tuấn Vũ
Trung tâm Thành phố Quảng Ngãi. Ảnh: Mai Tuấn Vũ


Bà Phạm Thị Tiệp (76 tuổi), Huyện đội phó Huyện đội Bình Sơn giai đoạn 1967-1969, hiện đang sống tại xóm Đông Bàn, thôn An Lộc, xã Bình Trị chia sẻ: "Chúng tôi là những người đã bám trụ tại vùng đất này từ những năm tháng ác liệt của chiến tranh đến hôm nay. Vì vậy, tôi cảm nhận được sự đổi thay từng ngày của quê hương.

Sau khi chiến tranh kết thúc, vùng đất đông Bình Sơn đầy hố bom. Người dân về quê xây dựng lại cuộc sống mới với sự khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Vậy mà, bước vào thời kỳ đổi mới, với việc xây dựng Nhà máy Lọc dầu và KKT Dung Quất đã biến vùng đất nhiều đau thương này trở thành đầu tàu kinh tế của tỉnh. Với hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm được đầu tư phục vụ phát triển và đời sống của nhân dân, cuộc sống của người dân nơi đây đã thay đổi rất nhiều. Con em địa phương có việc làm ngay tại quê nhà”.

Trên vùng "đất lửa" Vạn Tường, KKT Dung Quất được hình thành, mở ra thời kỳ phát triển công nghiệp của tỉnh. Đến nay, KKT Dung Quất đã thu hút 258 dự án đầu tư, với hơn 11 tỷ USD, trong đó có 43 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 1,37 tỷ USD. Tổng số lao động trên địa bàn hơn 33.600 người. Trong năm 2017, KKT Dung Quất tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài nước, với việc thu hút 35 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 3,12 tỷ USD, trong đó có 7 dự án FDI, với hơn 385 triệu USD. Trong số này, có nhiều dự án quy mô như Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, với tổng vốn đầu tư 60 nghìn tỷ đồng, Nhà máy tách và hóa lỏng khí nhựa đường Việt Nam của Tập đoàn Pields Engineering (Hàn Quốc), với vốn đầu tư 69 triệu USD...

Hành trình thoát nghèo

Thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và giảm nghèo là những mục tiêu lớn xuyên suốt của Quảng Ngãi. Những năm qua, bằng nhiều chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, cùng với phát huy nội lực, đặc biệt là các huyện miền núi, với sự tranh thủ các nguồn lực xã hội, sự hỗ trợ của Trung ương, nhiều địa phương miền núi của tỉnh đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đường về Vạn Tường hôm nay.
Đường về Vạn Tường hôm nay.

Huyện Sơn Hà là một trong những địa phương được giải phóng sớm của tỉnh nhất (ngày 17.3.1975). Và trong sự nghiệp xây dựng quê hương hôm nay, sau hơn 4 thập kỷ, vùng đất này cũng đang đi đầu trong hành trình xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Dương Viết Thanh, cho biết: Trong năm 2016 và 2017, thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và các chương trình mục tiêu quốc gia lồng ghép trên địa bàn, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình như giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế... từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đạt một số tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, với việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tổ chức tập huấn kỹ thuật... nhờ đó đã có một số sản phẩm nông nghiệp của địa phương tiếp cận thị trường, vào siêu thị và đã có thương hiệu như thịt gà, ớt xiêm... Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn khoảng 30%. Đây là cơ sở để Chính phủ ra quyết định đưa huyện Sơn Hà ra khỏi danh sách các huyện nghèo của cả nước, giai đoạn 2018-2020.

Vượt lên gian khó sau chiến tranh, 43 năm sau ngày giải phóng, đặc biệt là gần 30 năm sau ngày tái lập tỉnh, Quảng Ngãi đã đạt được những thành tựu mới khá nổi bật trên tất cả các lĩnh vực. Cùng với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Dự án Khu liên hợp Công nghiệp- Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi... tạo bước phát triển đột phá cho công nghiệp của tỉnh. Kinh tế tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng...

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn khoảng 11%, miền núi còn 36%. Thu nhập bình quân của Quảng Ngãi đạt 51,8 triệu đồng/người/năm... Những thành quả này sẽ là  động lực tiếp tục thúc đẩy Quảng Ngãi phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm đến.

Bài, ảnh: XUÂN THIÊN  
 


.