Khởi sắc từ nguồn vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn

08:03, 18/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động đầu tư vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, giúp nông dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, việc triển khai nguồn tín dụng này vẫn đang còn nhiều rào cản, khiến cho dòng vốn của ngân hàng chưa thực sự “mở rộng”.


Ưu tiên vốn cho nông nghiệp...

Agribank Quảng Ngãi là ngân hàng chủ đạo trong cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, tổng nguồn vốn huy động tại Agribank Quảng Ngãi trên 9.600 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2017; tổng dư nợ gần 8.220 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với cuối năm 2017. Trong đó, khoảng 85% vốn dành cho nông nghiệp, nông thôn.

Tín dụng nông nghiệp tạo điều kiện cho nông dân đầu tư, phát triển kinh tế nông thôn.
Tín dụng nông nghiệp tạo điều kiện cho nông dân đầu tư, phát triển kinh tế nông thôn.


Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi Nguyễn Thiên Phiến, cho biết: “Trong thời gian qua, Agribank Quảng Ngãi luôn ưu tiên nguồn vốn để phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt là đẩy mạnh cho vay  bằng phương thức tín chấp theo Nghị định 55 của Chính phủ”.

Mặt khác, để người dân ở một số xã miền núi được thuận lợi hơn trong việc giao dịch với ngân hàng, đầu năm 2018, Agribank Quảng Ngãi đã triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng hoạt động trên địa bàn huyện Sơn Hà. Theo đó, định kỳ 3 phiên/tháng, “ngân hàng lưu động này” sẽ lần lượt đến các xã Sơn Hạ, Sơn Linh, Sơn Kỳ để thực hiện giao dịch.

Ngân hàng lưu động được xem là giải pháp mới mang lại nhiều lợi ích cho cả ngân hàng và khách hàng. Nhất là khách hàng ở các vùng xa, vùng khó khăn có điều kiện tiếp cận nguồn vốn, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và đảm bảo an toàn ngay tại nơi cư trú; đáp ứng nhu cầu cho các hộ sản xuất trong giải ngân, thu nợ, thu lãi, gửi tiền tiết kiệm và các dịch vụ khác.


Tuy chỉ nằm ở con số nhỏ, nhưng thời gian qua, Vietcombank Quảng Ngãi cũng đã triển khai cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Với chính sách hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68 của Chính phủ, Vietcombank Quảng Ngãi đã cho ngư dân vay mua máy dò cá để tăng khả năng khai thác thủy sản mà không trả lãi trong 3 năm đầu, với mức dư nợ trên 9 tỷ đồng. Đồng thời, cho gần 200 khách hàng vay trên 20 tỷ đồng theo Nghị định 55 để đầu tư chăn nuôi gia súc, trồng rừng và phát triển trang trại, tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế.

...nhưng vẫn còn rào cản

Thực tế cho thấy, vốn vay từ ngân hàng là một trong những “kênh” quan trọng giúp nhiều gia đình ở nông thôn mua sắm công cụ, vật tư phục vụ trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, việc triển khai nguồn tín dụng này vẫn đang còn nhiều rào cản, khiến cho dòng vốn của các ngân hàng chưa thực sự mở rộng. Vì vậy, để tín dụng nông nghiệp, nông thôn hiệu quả hơn nữa, các sở, ngành, các địa phương cần phải đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; cấp giấy chứng nhận trang trại cho các hộ đủ điều kiện để họ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi; tăng cường thực hiện dồn điền đổi thửa để tạo ra những vùng sản xuất tập trung, tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ và tham gia chuỗi liên kết sản xuất, góp phần khơi thông nguồn vốn ưu đãi dành cho nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.

Về phía ngành ngân hàng cũng cần khảo sát lại các chính sách trong Nghị định 55 và kịp thời tham mưu cho Chính phủ có những sửa đổi, bổ sung phù hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất và đầu tư tín dụng vào lĩnh vực này. Đồng hành với nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong bước đường phát triển, các ngân hàng thương mại cũng cần tiếp tục rà soát, cải cách hồ sơ, thủ tục vay vốn để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi tiếp cận vay vốn ngân hàng; tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân hiểu rõ hơn về những chính sách ưu đãi khi vay vốn ngân hàng phát triển sản xuất, giảm nghèo.

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.