Khi nông dân phải thuê ruộng

03:03, 14/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đất chật, người đông, diện tích đất sản xuất nông nghiệp vốn đã ít, giờ lại càng thêm teo tóp, khiến nhiều nông dân ở xã ven biển Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) phải lặn lội sang các xã lân cận thuê đất canh tác. Chặng đường giữ lấy nghề nông để mưu sinh của họ, đang ngày càng gian nan.

Đã 30 năm nay, vì không có đất ruộng tại xã Nghĩa Phú, nên ông Lê Mân (57 tuổi), ở thôn Cổ Lũy Bắc, xã Nghĩa Phú phải qua xã Nghĩa Hà thuê đất với giá 2 triệu đồng/ha/năm. Nhà ở một nơi, đất cach tác một nơi, nên ngày nào, ông Mân cũng cùng em trai là Lê Văn Rê chèo ghe, vượt chặng đường sông khoảng 600m sang Nghĩa Hà chăm sóc cho diện tích hoa màu của mình.

“Từ 1ha đất thuê được, anh em chúng tôi cùng trồng ớt, trồng cà, trồng dưa... Trồng đủ loại mới mong có ăn, nên thành ra, công chăm sóc cũng nhọc. Nhiều lúc, anh em chúng tôi phải mang theo cơm rồi ăn luôn bên ấy. Nuôi mấy con bò, cũng cho nó vượt sông qua đó ở, chứ ở bên Nghĩa Phú thì không có đất, lại chẳng có cỏ”, ông Mân chia sẻ.

 

Đất nông nghiệp vốn đã ít của Nghĩa Phú, nay lại càng thêm teo tóp bởi hàng loạt các dự án triển khai tại địa phương.
Đất nông nghiệp vốn đã ít của Nghĩa Phú, nay lại càng thêm teo tóp bởi hàng loạt các dự án triển khai tại địa phương.

Không may mắn thuê được khu đất cách nhà chỉ 600m đường sông như ông Mân, ông Đặng Văn Nên, ở thôn Cổ Lũy Bắc, dù đã bước sang tuổi 63, nhưng ngày nào cũng một mình chèo ghe, vượt quãng đường sông gần 2km mới đến được nơi sản xuất. “Nói là thuê đất 1 năm, nhưng chúng tôi chỉ trồng trọt được từ tháng 1 - 8. Tháng 9 nước lên, lũ về, là lại khăn gói thu hoạch và dắt bò trở về nhà. Làm nông mà không có đất để làm cố định, cứ di chuyển mãi, cực lắm”, ông Nên bảo.

Là một xã có thế mạnh về kinh tế biển, nhưng xã Nghĩa Phú hiện còn hơn 200 hộ làm nông nghiệp, tập trung đông nhất là ở hai thôn Cổ Lũy Bắc (Vĩnh Thọ) và Thanh An (Phú Thọ). Trong khi đó, diện tích của toàn xã chưa đến 5km2, diện tích đất nông nghiệp hiện còn chưa đến 10ha.

Diện tích đất nông nghiệp chưa đến 10ha vốn đã rất ít, nhưng 3 năm trở lại đây, người dân Nghĩa Phú lại phải “nhường” lại đất cho các dự án khu dân cư, khu đô thị... đồng loạt triển khai trên địa bàn, khiến đất nông nghiệp lại ngày càng teo tóp. Vậy nên, để giữ lấy nghề nông khi không còn đất, buộc người dân phải đi thuê ruộng.

Bà Trần Thị Bờ, ở xã Nghĩa Phú, phân trần: “Đất nông nghiệp của gia đình tôi Nhà nước mới thu hồi để làm cầu Cửa Đại. Bù lại, gia đình tôi được đền bù khoảng 100 triệu đồng. Mừng thì mừng, nhưng rồi lại lo. Vì ngày xưa, còn đất thì còn có chỗ trồng rau muống, rau lang rồi mang đi bán, kiếm tiền đi chợ qua ngày, chứ giờ, hết đất rồi, thì biết làm gì để có 20 – 30 nghìn tiền chợ mỗi ngày đây? Tôi già rồi, rời ruộng đồng thì đâu biết làm gì”!

Nén tiếng thở dài, ông Lê Mân, hồi tưởng: “Mới  đây thôi, thời của cha mẹ tôi, chẳng ai phải đi thuê đất xa xôi thế. Vì xung quanh là hàng loạt các bãi bồi rộng rãi, tươi tốt, nên mọi người cứ chia nhau ra canh tác. Còn giờ, chẳng hiểu sao, sông Trà Khúc chỉ thấy toàn là nước, gò bãi không còn bồi đắp nữa. Chỉ còn vài đụn cát cho người ta thả vịt...”?

Câu hỏi của lão nông Lê Mân, câu chuyện đất sản xuất cho nông dân Nghĩa Phú và bài toán hỗ trợ chuyển đổi nghề cho nông dân để phù hợp với cuộc sống mới... đang là những câu hỏi mà bà con nông dân rất cần được các cấp, ngành lưu tâm giải quyết, để họ có được sinh kế bền vững, ổn định. Nhất là khi làn sóng "đô thị hóa" đang đến rất gần với Nghĩa Phú - một xã sắp lên phường và được kỳ vọng sẽ là trung tâm của TP.Quảng Ngãi về phía đông nam.

Bài, ảnh: Ý THU

 


.