Giá keo nguyên liệu giảm: Người trồng rừng gặp khó

02:03, 26/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, giá keo nguyên liệu liên tục giảm, tại các xã miền núi chỉ còn 800.000 đồng/tấn, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều người có ý định chuyển đổi sang cây trồng khác.

TIN LIÊN QUAN

Nỗi lo keo rớt giá

Cây keo một thời được xem là cây kinh tế chính, đem lại thu nhập cao cho người dân trồng rừng, giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao thoát nghèo. Những năm trước đây, trong các chương trình giảm nghèo, nhiều huyện miền núi cũng đã cấp cây keo cho người dân, với mục đích phát triển kinh tế, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá keo nguyên liệu liên tục giảm, làm cho đời sống người trồng keo gặp khó.

Giá keo nguyên liệu giảm, khiến thu nhập của người dân bị giảm.
Giá keo nguyên liệu giảm, khiến thu nhập của người dân bị giảm.


Mặc dù giá keo nguyên liệu liên tục xuống thấp, nhưng người trồng không thể không bán, bởi cây keo dễ ngã đổ vào mùa mưa bão, nên người dân không dám đánh cược với thời tiết. Chị Hồ Thị Thanh ở thôn Nước Biếc, bày tỏ: “Lúc mới về đây, mình không có đất, nên đã vay vốn của ngân hàng mua đất trồng keo. Ai ngờ bây giờ giá keo cứ hạ mãi. Thương lái họ bảo trồng keo ở trên núi, chi phí vận chuyển cao, nên chỉ mua 800.000 đồng/tấn. Keo mình trồng được 5 năm rồi, nếu không bán thì sợ mùa mưa bão sắp tới cây sẽ bị ngã đổ, mất trắng”.

Nông dân cần được định hướng

Trước tình trạng giá keo nguyên liệu hạ dài, thu nhập giảm sút, nhiều hộ dân ở miền núi đã có ý định chuyển đổi sang cây trồng khác. Anh Hồ Văn Bảo, ở xã Trà Phong (Tây Trà), chia sẻ: “Cũng nhờ có cây keo mà cuộc sống của gia đình mình và bà con ở đây mới tốt hơn. Nhưng giờ cây keo không còn được giá như trước, nên sắp tới, mình sẽ chuyển sang trồng cau đối với diện tích gần nhà, còn ở chỗ xa thì trồng quế. Cây quế tuy lâu thu hoạch, nhưng được cái mình khai thác dần, việc vận chuyển nhẹ, nên không phải lo”. Đây cũng là ý định của nhiều hộ dân miền núi khác, với mong muốn tìm ra một loại cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Còn tại huyện Trà Bồng, sau khi xét kỹ về tính bền vững cũng như để bảo vệ cây truyền thống của địa phương, những năm qua, huyện đã ưu tiên phát triển cây quế theo hướng hình thành các vùng chuyên canh. Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hồ Văn Thịnh, cho biết: “Cây keo chỉ là cây trồng trước mắt, mang tính tự phát của người dân, còn định hướng của huyện vẫn là ưu tiên phát triển cây quế. Trong hội thảo chuyên đề về cây quế cách đây hơn 3 năm cũng đã đánh giá lợi nhuận của cây quế vẫn cao hơn cây keo trên cùng đơn vị diện tích”.  

Theo ông Thịnh, thời gian qua việc trồng keo thường  không theo định hướng và quy hoạch. Trong đó có nhiều vị trí trồng keo ở sâu trong rừng, núi cao không có đường vào để vận chuyển. Đồng thời, do thiếu kỹ thuật, thiếu vốn, người trồng phó mặc cho trời, nên hiệu quả kinh tế thấp.

Còn theo các doanh nghiệp thu mua keo, diện tích trồng keo trên địa bàn tỉnh liên tục được mở rộng, trong khi thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, dẫn đến keo rớt giá. Mặt khác, thị trường trong và ngoài nước đang hướng đến những loại gỗ chất lượng, trong khi, đại bộ phận người dân trồng keo chỉ 4-5 năm là thu hoạch, nên chất lượng chưa đảm bảo.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế là cần thiết. Tuy nhiên, trồng cây gì để đem lại hiệu quả, mang tính bền vững và bảo vệ được nguồn tài nguyên đất nước thì rất cần được định hướng của ngành nông nghiệp.

Được biết, để giải quyết bài toán chất lượng gỗ rừng trồng, thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng đã hướng đến các mô hình rừng trồng gỗ lớn. Theo đó, đã có nhiều doanh nghiệp, người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn. Những loại gỗ này được trồng theo quy chuẩn được Hội đồng Quản trị rừng Quốc tế công nhận nên sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.