Tín dụng nội bộ: Vốn nhỏ, hiệu quả lớn

09:02, 13/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, nhiều hợp tác xã (HTX) trong tỉnh triển khai dịch vụ tín dụng nội bộ (TDNB). Bởi, dịch vụ này được xem là “cứu cánh” của các thành viên HTX, khi họ khó khăn về vốn sản xuất mà không phải thế chấp tài sản.

TIN LIÊN QUAN


Là một trong những HTX thành lập dịch vụ TDNB sớm nhất của tỉnh, đến nay HTX Nông nghiệp Phổ Minh (Đức Phổ) đã qua 20 năm hoạt động trong lĩnh vực tín dụng và trở thành “ngân hàng cấp xã” của toàn bộ xã viên.

Theo Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX NN Phổ Minh Nguyễn Thanh Hoàng thì năm 1999, HTX Phổ Minh đã thành lập dịch vụ TDNB. Từ những đồng vốn nhàn rỗi ban đầu chỉ trên 100 triệu đồng, đến nay nguồn vốn đã tăng lên 3 tỷ đồng. Với nguồn vốn tương đối lớn này, HTX Phổ Minh đã từng bước đáp ứng nhu cầu vốn vay ngày càng lớn của bà con xã viên. Theo đó, tùy theo mục đích vay vốn mà HTX sẽ xem xét cho vay thời gian dài hay ngắn”.

Từ nguồn vốn vay của hợp tác xã, ông Bùi Thọ, xã Bình Khương mua máy làm đất phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Từ nguồn vốn vay của hợp tác xã, ông Bùi Thọ, xã Bình Khương mua máy làm đất phục vụ sản xuất nông nghiệp.


Hiện mức cho vay cao nhất mà HTX NN Phổ Minh áp dụng là 100 triệu đồng/xã viên, lãi suất cạnh tranh với các ngân hàng thương mại, nên HTX đã tạo được niềm tin và trở thành “bà đỡ” của nhiều hộ nông dân là thành viên của HTX. Bởi, nếu vay ở ngân hàng, người vay sẽ chỉ được hưởng lãi suất ưu tiên ở khoản vay ngắn hạn, ngay cả vay theo Nghị định 55 của Chính phủ. Tuy nhiên, đối với HTX thì không chỉ các khoản vay ngắn hạn, mà ngay cả các khoản vay dài hạn đến 36 tháng vẫn được hưởng mức lãi suất ổn định như ban đầu. Điều này đã giúp xã viên có thời gian trả nợ cũng như tăng lợi nhuận, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tuy mới chỉ thành lập và đi vào hoạt động khoảng ba năm nay, nhưng dịch vụ TDNB của HTX Nông nghiệp II Bình Khương (Bình Sơn) đã giúp cho hàng trăm xã viên tiếp cận với nguồn vốn vay để tái sản xuất, phát triển kinh tế.

Xuất phát từ nhu cầu, ông Bùi Thọ, thôn Thanh Trà, xã Bình Khương đã vay 20 triệu đồng của HTX NN II Bình Khương để mua một chiếc máy làm đất loại nhỏ thay thế cho sức kéo của trâu, bò. Ông Thọ, chia sẻ: “Cũng nhờ có vốn vay của HTX mà tôi mới có tiền để mua máy làm đất phục vụ sản xuất của gia đình và làm dịch vụ, kiếm thêm thu nhập. Cái thuận lợi là HTX ở gần, thủ tục cho vay lại đơn giản, nhanh chóng...”.

Không chỉ giúp bà con xã viên có vốn để sản xuất mà thông qua TDNB, nhiều HTX đã chủ động nguồn vốn để đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa trên đồng ruộng. Đơn cử như HTX NN Bình Trung 1, nhờ có TDNB mà HTX đã đầu tư mua hai máy gặt đập liên hợp trên 600 triệu đồng.

Giám đốc HTX NN II Bình Khương Nguyễn Thọ, cho biết: “Trước đây, chưa có TDNB thì những người dân có sổ đỏ sẽ phải xuống tận huyện để vay vốn, mất nhiều thời gian, thủ tục lại rườm rà. Riêng những hộ cần nguồn vốn nhỏ, không có tài sản thế chấp thì không thể tiếp cận vốn ngân hàng. Vậy nên từ khi có TDNB, xã viên đã tìm đến vay vốn rất đông. Hiện nguồn vốn của HTX mới chỉ 1 tỷ đồng, nhưng đã giúp nhiều xã viên có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn kịp thời để đầu tư sản xuất, mua giống, phân bón, máy làm đất mỗi khi đến mùa vụ”.

Theo quy định, TDNB của HTX hoạt động và chịu sự giám sát của Ngân hàng nhà nước. Do đó, mọi thủ tục cho vay đều được thực hiện theo đúng quy trình. Song, nhờ thuận lợi của HTX là đóng chân tại địa phương, nên sẽ biết bà con xã viên làm ăn như thế nào. Từ đó cho vay trên tinh thần “chọn mặt gửi vàng”. Chính điều này đã giúp các HTX bảo toàn được nguồn vốn, không để xảy ra tình trạng nợ xấu”.

Trước sự cạnh tranh của hệ thống ngân hàng trong việc tìm kiếm khách hàng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, nên thời gian qua, nhiều ngân hàng đã cho cán bộ tín dụng về tận các thôn, xã để cho vay. Tuy nhiên, với ưu điểm riêng, dịch vụ TDNB của các HTX vẫn đứng vững và ngày một lớn mạnh, trở thành “cứu cánh” của bà con xã viên, nhất là các xã nằm ở xa trung tâm huyện, thị trấn.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.