Nông dân tích cực chăm sóc lúa đông xuân

09:02, 13/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến thời điểm này, các địa phương đã hoàn thành xuống giống vụ lúa đông xuân 2017 – 2018. Nông dân trong tỉnh đang tập trung tỉa dặm, giữ nước, bón phân chăm sóc đợt 1, tăng cường diệt chuột, ốc bươu vàng bảo vệ lúa.

TIN LIÊN QUAN


Tập trung ra đồng

Dù là thời điểm cuối năm, người người đều bận rộn với việc mua sắm, dọn dẹp, trang trí nhà cửa để đón Tết. Tuy nhiên, bà con vẫn tranh thủ ra đồng để chăm sóc lúa.

Sau gần một tháng xuống giống, trời đã hết mưa nhưng lạnh vẫn tiếp tục kéo dài, thậm chí có những hôm nhiệt độ xuống thấp đã khiến cho nhiều loại sâu bệnh xuất hiện gây hại trên cây lúa.

 

 

Nông dân xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) đang chăm sóc lúa đông xuân.
Nông dân xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) đang chăm sóc lúa đông xuân.

Bà Võ Thị Tuyết, thôn Hắc Kè, xã Ba Động (Ba Tơ), cho hay: “Tôi có 2 sào lúa đã xuống giống được một tháng, qua thăm nom tôi thấy lúa bị bệnh bọ trĩ trắng lá, nên đã mua thuốc về bơm. Thời tiết này mà không thường xuyên ra đồng, phát hiện bệnh hại lúa muộn, sẽ thiệt hại ngay”.

Đang lúi húi nhổ mạ để chuẩn bị đem cấy ở thửa ruộng trũng ở xứ đồng Kỉnh, ông Nguyễn Văn Nhị, thôn Long Mỹ, xã Bình Long (Bình Sơn), cho biết: “Mấy ngày nay, vợ chồng tôi luôn ở ngoài ruộng để giặm lúa, nhổ cỏ, chăm sóc lúa. Nhưng cái khó năm nay là trời lạnh quá, cây lúa dễ sinh bệnh. Vừa rồi tôi cũng mới phun thuốc bọ trĩ xong, giờ lại có dấu hiệu của bệnh sâu lá phải tiếp tục bơm thuốc sâu rồi mới an tâm ăn Tết”.

Còn tại các xứ đồng của xã Hành Thiện (Nghĩa Hành), người dân đang treo “cờ trắng”, cũng như dùng bạt quấn quanh ruộng để xua đuổi chuột. Đồng thời họ bón phân kali, phân lân và giữ đúng mực nước cần thiết để đảm bảo độ ấm cho lúa.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng, cho hay: “Thời điểm này nhìn chung trên địa bàn huyện lúa đang sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên, hiện chuột gây hại ở các vùng lúa gần núi, gần vườn nhà. Cùng với đó, tình trạng ốc bươu vàng năm nay có chiều hướng tăng so với năm trước, nhất là các xã Hành Trung, Hành Nhân. Nguyên nhân là do mấy năm nay, người chăn nuôi không chăn thả vịt ngoài đồng, nên không có con gì ăn ốc bươu vàng. Song, đối với loại địch họa này, mình chỉ cần bơm thuốc bảo vệ lúa thì ốc bươu vàng cũng sẽ chết”.

Theo dõi diễn biến sâu bệnh

Vụ đông xuân 2017 - 2018, toàn tỉnh đã gieo sạ 38.300ha, trong đó lúa chính vụ đang đẻ nhánh đến đẻ nhánh rộ. Hiện tình hình diễn biến của các đợt không khí lạnh liên tiếp tràn về đã làm cây lúa chậm phát triển so với cùng kỳ. Đồng thời, xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh gây hại trên đồng ruộng như chuột, bọ trĩ, dòi đục nõn, ốc bươu vàng...

Ngành nông nghiệp dự báo, tình hình trước, trong và sau Tết Nguyên đán, chuột tiếp tục phát sinh phát triển trên diện rộng; bọ trĩ, dòi đục nõn gây hại trên chân lúa sạ muộn, sâu cuốn lá nhỏ sẽ gây trắng lá ở giai đoạn lúa đẻ nhánh đến đứng cái, đặc biệt là chân ruộng bón thừa đạm ở ven làng. Ngoài ra, còn một số đối tượng khác cần quan tâm như bệnh đạo ôn lá, sâu năn ở các vùng trọng điểm.

Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo, để chống rét cho cây lúa, đề nghị bà con giữ nước trong ruộng từ 3-5cm, kết hợp tăng cường bón thêm kali, phân lân hoặc phân chuồng hoai mục để giữ ấm cho lúa. Đối với chuột, bà con diệt bằng nhiều biện pháp, trong đó, chú ý sử dụng biện pháp thủ công đào bắt và dùng bã sinh học. Riêng các đối tượng sâu bệnh khác, đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ, kiểm tra nếu mật độ 20 con/m2 thì dùng thuốc phun trừ; còn những chân ruộng hay bị bệnh đạo ôn, nếu phát hiện có dấu hiệu bệnh thì dừng ngay việc bón các loại phân và dùng các loại thuốc đặc hiệu để phun trừ.


Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.