Người dân Minh Khánh miệt mài giữ nghề rèn truyền thống

09:02, 02/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nghề rèn truyền thống thôn Minh Khánh, xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh) luôn được gìn giữ, phát huy nghề truyền thống của quê hương, vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.

TIN LIÊN QUAN


Minh Khánh là khu vực trung tâm xã Tịnh Minh. Toàn thôn có 460 hộ dân, trong đó có 64 hộ sống bằng nghề rèn truyền thống. Cho dù cuộc sống đang ngày càng phát triển và cơ hội tiếp cận với các loại công cụ làm từ máy móc ngày càng nhiều, nhưng nghề rèn truyền thống vẫn còn đó, trong những mái nhà quần tụ khoảng 1km2 thuộc xóm 6. Nét đẹp gần gũi còn in đậm dấu ấn qua những đôi tay cần cù, khéo léo của những người thợ giản dị được nối truyền từ đời này qua đời khác.

 Ông Nguyễn Tòng với công việc rèn hằng ngày.
Ông Nguyễn Tòng với công việc rèn hằng ngày.

Ông Nguyễn Tòng, ở xóm 6 thôn Minh Khánh, vừa là trưởng ban công tác Mặt trận thôn, nhưng cũng vừa là người nổi tiếng được nhiều người biết đến từ các sản phẩm rèn chất lượng, cho biết: Nghề rèn ở đây có từ hàng trăm năm trước, tồn tại theo kiểu cha truyền con nối. Nhờ vẫn giữ chất lượng sản phẩm, nên bình quân mỗi tháng vợ chồng tôi có thu nhập trên dưới 10 triệu đồng.

Để tạo điều kiện cho làng nghề rèn Minh Khánh bền bỉ vượt thời gian, cùng với nguyện ước của người dân còn có sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh và huyện. Trong đó, năm 2016, huyện Sơn Tịnh đã hỗ trợ 188 triệu đồng, để mua 58 chiếc máy cắt sắt hỗ trợ cho các hộ dân sản xuất tại làng nghề. Việc kết hợp giữa công nghệ hiện đại với phương pháp truyền thống đã thật sự nâng cao năng lực sản xuất, tiết kiệm thời gian và sức lực của người thợ, góp phần hạ giá thành, cải thiện khả năng cạnh tranh của sản phẩm rèn.

Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt, nghề rèn Minh Khánh vẫn luôn đỏ lửa. Những người thợ rèn vẫn luôn miệt mài giữ nghề truyền thống, vững vàng đi lên. Cũng nổi tiếng trong nghề, ông Trương Văn Minh cho biết: Nghề rèn ở đây, mỗi gia đình chỉ có kinh nghiệm đúc rút ra được truyền lại cho con cháu. Việc truyền nghề luôn được những người thợ ở đây rộng mở, nhiệt tình. Nhưng để học được nghề thì quả thật là khó. Phải là người thật sự chú ý lắm mới học được nghề cha ông để lại.

Nét văn hoá của làng rèn truyền thống Minh Khánh hôm nay chính là tấm lòng đôn hậu, nhiệt tình. Nhất là niềm vui, tinh thần luôn cầu tiến vươn lên của mỗi người thợ ở đây đã chắp cánh cho làng rèn ngày càng phát triển, góp phần giải quyết công ăn việc làm, cải thiện cuộc sống,  người dân và vẫn luôn giữ gìnnghề truyền thống mà ông cha đã để lại.


  Bài, ảnh: Thu Phượng


 


.