Mưu sinh ngày giáp Tết

09:02, 01/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khi tháng Chạp về, cũng là lúc những người làm nghề sửa giày dép, quần áo, bán cát lư hương, đánh bóng lư đồng... bước vào mùa “ăn nên làm ra”. Mỗi năm chỉ một mùa, nên ai nấy đều tranh thủ làm việc từ sáng sớm đến tối mịt để gom góp, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy hơn.

TIN LIÊN QUAN

Lặng lẽ chọn cho mình một góc vỉa hè rộng chưa đến 5m2 ngay giao lộ Phan Đình Phùng – Hùng Vương (TP.Quảng Ngãi), nhưng quầy sửa giày dép của ông Nguyễn Lai lúc nào cũng nhộn nhịp khách vào, ra.

Vừa tranh thủ may dép cho khách, ông Lai cho hay: “Tháng Chạp là tháng làm ăn đỡ nhất trong năm. Bởi mọi người ai cũng tranh thủ mang dép ra sửa, hoặc mua dép mới rồi tìm đến tôi dán đế, hoặc may lại cho kỹ lưỡng. Thảnh thử ngày nào tôi cũng làm từ 7 giờ sáng đến 6 giờ tối mới về.

Quần quật sửa dép, rồi may dép và dán keo, khiến đôi bàn tay của người thợ sửa giày dép Nguyễn Lai lúc nào cũng ám đen bụi bẩn, thậm chí bỏng rát vì sức nóng của keo dán dép. Nhưng bù lại, trong tháng Chạp, bình quân mỗi ngày, ông thu về từ  300 – 400 nghìn đồng, có những ngày cao điểm, ông Lai thu gần cả triệu đồng. “Số tiền trên, đủ để tôi lo cho cả nhà một cái Tết đủ đầy, nên cực thì cực, nhưng rất vui”, người đàn ông 62 năm tuổi đời, 19 năm tuổi nghề cười hiền.

Nghề sửa quần áo là một trong những nghề ăn nên làm ra, hút khách trong tháng Chạp.
Nghề sửa quần áo là một trong những nghề ăn nên làm ra, hút khách trong tháng Chạp.


Một nghề khác cũng “lên ngôi” trong tháng giáp Tết, đó là nghề đánh bóng lư đồng. Với tiền công đánh bóng lư đồng dao động từ 100 – 300 nghìn đồng tùy theo kích thước, nên nếu làm việc đều tay, mỗi ngày, một thợ đánh bóng lư đồng có thể thu về tiền triệu. Là nghề thời vụ cho thu nhập cao, nhưng người làm nghề này chỉ cần bộ đồ nghề khá giản đơn gồm một mô tơ giá từ 2 – 3 triệu đồng cùng cục tẩy giá vài chục nghìn đồng, một ít dung dịch tẩy rửa... là đã đủ cho cuộc mưu sinh.

Từ tháng Chạp trở đi, trên khắp các nẻo đường của TP.Quảng Ngãi, các địa điểm bán cát lư hương xuất hiện ngày càng nhiều. Chỉ cần một chiếc bàn nhựa nhỏ đặt nép mình bên vỉa hè cùng tấm cạc tông ghi dòng chữ “bán cát lư hương”, là đã đủ cho một cuộc mưu sinh.

“Gần Tết, hầu như nhà nào cũng có nhu cầu thay cát lư hương trên bàn thờ khi năm hết, Tết đến. Vậy nên cứ đến tháng Chạp là tôi lại bán cát lư hương. Kinh doanh mặt hàng này tiện lợi lắm, chẳng có mấy ai cò kè, trả giá, cũng chẳng sợ ế hàng”, bà Trần Thị Thành, bán cát lư hương trên đường Hùng Vương chia sẻ.

Cũng đang tất bật làm ngày, làm đêm để kịp hoàn thành các đơn hàng cho khách, chị Nguyễn Thị Ngân, một thợ nhận sửa quần áo tại ngã 4 Bắc Sơn – Phạm Văn Đồng, so sánh: “Ngày thường, nghề này bấp bênh lắm. Có lúc tôi ngồi từ sáng đến chiều mà chỉ có 1, 2 người ghé sửa đồ. Duy chỉ có tháng Chạp là làm không ngơi tay. Thu nhập cũng tăng vọt từ vài chục, lên vài trăm nghìn đồng mỗi ngày”.

Bội thu trong tháng Chạp, nhưng đằng sau niềm vui ấy, là những ngày tháng chị Ngân phải lao động quần quật và chỉ ngủ tầm 4 tiếng mỗi ngày.  “Tôi rời Mộ Đức ra TP.Quảng Ngãi ở trọ và mưu sinh bằng nghề sửa quần áo hơn 10 năm qua. Vừa may đồ, tôi vừa nuôi và chăm nom người mẹ già yếu, nằm một chỗ. Thành thử, để làm xong hàng cho khách trong tháng cao điểm, vừa chăm sóc mẹ, mỗi ngày, tôi ngủ rất ít, có hôm, thức trắng...”, chị Ngân cho biết.


Bài, ảnh: Ý THU



 


.