Giảm nghèo bền vững ở miền núi: Những chuyển biến tích cực

08:02, 19/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trong tỉnh, nhất là các huyện miền núi đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực, nhằm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần...

Từng là vùng chuyên canh mía, mì, nhưng giờ đây nhiều diện tích đất sản xuất ở thôn Gia Ry, xã Sơn Trung (Sơn Hà) đã và đang hình thành vùng chuyên canh rau sạch. Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình trồng rau cải, sà lách đang tươi tốt, ông Lê Kim Thành, hồ hởi cho biết: Do sản xuất rau an toàn, nên người dân đã “đặt cọc” mua hết sản lượng rau trồng để phục vụ Tết. Đất này trước kia sản xuất mía, nay trồng rau đã cho hiệu quả kinh tế cao, vì đất màu mỡ, canh tác cây gì cũng tươi tốt.

 Một số mô hình kinh tế đạt hiệu quả, mở ra hướng giảm nghèo cho các hộ dân ở miền núi.
Một số mô hình kinh tế đạt hiệu quả, mở ra hướng giảm nghèo cho các hộ dân ở miền núi.


Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trung Lê Ngọc Trang, cho biết: Địa phương đang tập trung chỉ đạo người dân sản xuất những cây trồng phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng ở địa phương. Qua một thời gian thử nghiệm thì mô hình sản xuất rau cho hiệu quả khá cao và được người dân hưởng ứng, giúp hộ dân thoát nghèo hiệu quả. Hiện nay, xã đã thành lập và đưa vào hoạt động Hợp tác xã sản xuất rau sạch nông nghiệp hữu cơ; quy hoạch vùng sản xuất 20ha, với 12 hộ tham gia. Hy vọng với mô hình sản xuất này sẽ giúp người dân giảm nghèo bền vững.
 

Mỗi năm giảm 4% hộ nghèo ở miền núi

Theo Nghị quyết XIX của Đảng bộ tỉnh, phấn đấu mỗi năm giảm 4% hộ nghèo đối với khu vực miền núi đã đặt ra nhiều thách thức cho các địa phương. Để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện Kết luận 31, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các huyện miền núi rà soát, tổng kết toàn bộ các chương trình triển khai trước đây và đề xuất các giải pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi trong tỉnh trong thời gian đến.

Bên cạnh đó, huyện Sơn Hà còn triển khai mô hình hỗ trợ chăn nuôi bò theo hướng huy động vốn đóng góp từ người dân. Từ năm 2011 đến nay, từ hợp phần hỗ trợ sản xuất thuộc các chương trình hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã hỗ trợ gần 1.700 con bò, với tổng kinh phí gần 5,4 tỷ đồng. Trong đó có 80% số bò được hỗ trợ thực hiện theo hình thức đối ứng. Từ những mô hình này, đã góp phần vào công tác giảm nghèo ở huyện Sơn Hà luôn đạt kết quả cao. Trung bình tỷ lệ hộ nghèo giảm mỗi năm là 5%. Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 30,15%.

Huyện Minh Long cũng đã huy động các nguồn lực và tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, nhất là những chính sách đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Chương trình 30a, 135... Ngoài hỗ trợ nguồn vốn vay, huyện còn hỗ trợ người dân cây, con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật thông qua các mô hình trình diễn khuyến nông, khuyến lâm. Nhờ đó, năm 2017, huyện Minh Long đã giảm 396 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm gần 8,2% và là địa phương có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất khu vực miền núi trong năm 2017. Bí thư Huyện ủy Minh Long Nguyễn Văn Thuần, cho biết: Huyện huy động và triển khai thực hiện có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và nhân dân trong việc thực hiện công tác giảm nghèo. Nhờ đó, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 32%.

Năm 2017, tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh hơn 330 tỷ đồng. Từ đó, các huyện miền núi đã tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sinh kế cho người dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi trong tỉnh giảm còn 36,4% (giảm 5,5% so với năm 2016). Tuy nhiên, tỷ lệ giảm nghèo vẫn chưa bền vững, số hộ tái nghèo và nghèo phát sinh vẫn còn cao.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ, cho biết: Đến cuối năm 2017, tỉnh còn hơn 11,2% hộ nghèo theo chuẩn đa chiều. Riêng các huyện miền núi còn trên 36%. Đây là thách thức lớn mà tỉnh cần tập trung lãnh đạo trong thời gian đến. Để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững ở miền núi, cần phải tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, điện, nước sạch, nhà ở, các công trình giáo dục...; kế tiếp là nâng cao dân trí. Tập trung hỗ trợ tư liệu sản xuất cho người dân, chủ yếu là đất sản xuất bằng cách thu hồi một số diện tích đất nông lâm trường chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, hoặc đang trong tình trạng cho dân thuê để giao cho dân. Hướng dẫn người dân tạo sinh kế cho cuộc sống bằng cách hướng dẫn chăn nuôi bò, heo, sản xuất rau sạch, nuôi gà... Không giao trực tiếp tiền cho người dân như trước đây để tránh sự trông chờ ỷ lại.

Mô hình trồng rau sạch ở Sơn Trung (Sơn Hà).
Mô hình trồng rau sạch ở Sơn Trung (Sơn Hà).


Tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành nghiên cứu mở các loại hình đào tạo như trường nội trú, bán trú tập trung và có chế độ chính sách cho các em ăn học tại chỗ, nhằm nâng cao dân trí, cải thiện giáo dục cho miền núi...


Bài, ảnh: THANH THUẬN


                                                   


 


.