Xuân về bên làng mộc Nghĩa Hiệp

10:01, 25/01/2018
.

(Baoquangngai.vn) - Càng về những ngày giáp Tết, các cơ sở ở làng mộc truyền thống Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) càng tất bật, hoạt động hết công sức để kịp cho ra những sản phẩm phục vụ thị trường cuối năm. Từ các bác thợ đến công nhân làm công, ai ai cũng thoăn thoắt đôi tay để kịp hoàn thành sản phẩm.

Ngôi nhà 2 tầng khang trang cộng với khoảng sân tương đối rộng rãi của cơ sở mộc Ngô Khởi chỗ nào cũng có gỗ xẻ và đồ mộc đang đóng dở. Ông Khởi nói như phân trần: “Các nhà làm mộc ở đây, bây giờ đều chật ních hàng hóa thế này cả. Tôi không có xưởng nên sử dụng sân nhà làm xưởng luôn, nên càng bề bộn. Hầu hết bắt đầu từ tháng Giêng, khách hàng đã mang gỗ đến và nhờ chúng tôi gia công.

Theo ông Khởi, để cho ra đời một sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, như: xẻ gỗ, cắt theo quy cách, bào láng, vẽ, chạm, lắp ráp, sơn, gắn khóa… Từ việc lựa chọn gỗ, sơ chế gỗ, đục thô đến các công đoạn tạo hình, chạm khắc tinh xảo… tất cả đều cần đến sự dày công làm việc với tinh thần tập trung cao nhất của những người thợ lành nghề.

Tết năm nay nhận được rất nhiều đơn đặt hàng, chủ yếu là bàn ghế, giường, tủ với nhiều loại gỗ như gõ; giá 30 đến 40 triệu đồng/bộ… Ngoài ra, sản phẩm bàn thờ bằng gỗ mít, có giá từ 16 - 17 triệu đồng cũng được nhiều khách hàng lựa chọn.  Để đáp ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán năm nay, cửa hàng ông phải thuê thêm 5 công nhân trong làng, ông Khởi bộc bạch.

 

Công nhân miệt mài làm kịp hàng giao Tết.
Công nhân miệt mài làm kịp hàng giao Tết.

 

Vừa thoăn thoắt đánh giấy nhám cho bộ salon, Nguyễn Thanh Trí (18 tuổi, thôn Đồng Viên - Nghĩa Hiệp) cười nói:  "Không có điều kiện học chữ, em theo học nghề từ những người đi trước và gắn bó với nghề đã được 2 năm. Công việc chính thường ngày là đánh giấy nhám sau khi hoàn thành phần thô của sản phẩm. Hiện, thu nhập mỗi tháng được hơn 6 triệu đồng. Ngoài ra, em tranh thủ "học lỏm" nghề điêu khắc, chạm trổ để sau này mở cơ sở riêng. Nghề này thu nhập ổn định, tiền thưởng Tết kha khá nên em cũng cảm thấy vui".

 

tgfhgjhgj
Người thợ điêu khắc gỗ.

 

Đến với cơ sở điêu khắc của anh Trần Tập, bữa cơm trưa bị lùi lại cả 2 tiếng đồng hồ khi khách đến đặt hàng khá đông. Là cơ sở chuyên nhận gia công các loại tượng trang trí dịp Tết như tượng Di Lặc, Thần Tài..., để trang trí cầu mong một năm mới bình an, phát lộc, phát tài. "Do số lượng khách đến đặt gia công đông nên anh phải huy động thêm 2 thợ giỏi làm thâu đêm để kịp giao hàng cho khách. Từ nay  đến 30 Tết, phải hoàn tất 15 tượng các loại trả cho khách, sau đó mới nghỉ Tết. Làm nghề được dịp nhiều đơn hàng như vậy là vui chứ, không mong gì hơn mà chỉ biết đam mê, gắn bó với nghề truyền thống, anh Tập phấn khởi. 

 

Các sản phảm mộc thủ công Nghĩa Hiệp đắt hàng dịp Tết.
Nhiều sản phẩm thủ công của làng mộc Nghĩa Hiệp tiêu thụ mạnh vào dịp Tết.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp Trần Văn An cho biết, nghề mộc làm quanh năm, nhưng vào dịp Tết, các cơ sở sản xuất đều tăng lượng hàng khoảng 20% so với các tháng thường. Các chủ cơ sở không ngừng thay đổi cách làm, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để làm ra sản phẩm cao cấp, có giá trị kinh tế cao.

Hiện nay, làng mộc Nghĩa Hiệp có hơn 100 hộ có xuởg sản xuất, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động trong và ngoài địa phương, với thu nhập ổn định bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng, góp phần tạo việc làm, giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống tại địa phương. 

Thực hiện: P.TIÊN

 

 

 

.