Sẽ sống được từ rừng

10:01, 23/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Người dân sống bên cạnh rừng, nhưng chưa có hoặc không có đất sản xuất, trong khi nhiều diện tích rừng sản xuất giao cho các công ty lâm nghiệp, các đơn vị quản lý rừng để quy hoạch sản xuất hoặc rừng phòng hộ, nhưng “treo” nhiều năm. Đó là thực trạng ở 6 huyện miền núi của tỉnh, cần sớm có giải pháp để tháo gỡ.

TIN LIÊN QUAN


Hơn 8.000 hộ dân không có tư liệu sản xuất

Sáu huyện miền núi của Quảng Ngãi có diện tích đất chiếm 62% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Có khoảng 58 nghìn hộ, với gần 187 nghìn khẩu (khoảng 12% dân số toàn tỉnh), chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số. Hiện nay, số hộ nghèo trong tỉnh khoảng 52 nghìn hộ thì 6 huyện miền núi chiếm hơn 27 nghìn hộ (gần 47%). Những con số trên cho thấy, diện tích tự nhiên của các huyện miền núi rất lớn, dân số lại ít, nhưng tỷ lệ người dân chưa có, hoặc thiếu đất để sản xuất lại không nhỏ.

Một vạt rừng thuộc dự án rừng JIBIC cấp chồng lấn lên đất sản xuất của người dân, gây ra tình trạng tranh chấp đất kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn xã Sơn Tinh (Sơn Tây).
Một vạt rừng thuộc dự án rừng JIBIC cấp chồng lấn lên đất sản xuất của người dân, gây ra tình trạng tranh chấp đất kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn xã Sơn Tinh (Sơn Tây).


Theo một thống kê mới đây, gần 8.300 hộ dân ở miền núi thiếu, hoặc chưa có đất sản xuất. Nhu cầu diện tích đất sản xuất của người dân là 4.916ha. Để bố trí quỹ đất cho các hộ thiếu hoặc chưa có đất sản xuất, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện các bước thủ tục cần thiết để thu hồi phần diện tích đất của các công ty lâm nghiệp sử dụng không hiệu quả, hoặc không sử dụng, bàn giao cho UBND các huyện lập phương án giao đất cho dân.

Theo đó, tổng diện tích đất dành để lập phương án giao đất cho nhân dân trên địa bàn 6 huyện miền núi là 19.533ha. Trong đó giao cho Ba Tơ 7.200ha, Trà Bồng 5.876ha, Tây Trà 8.184ha, Sơn Hà 1.952ha, Sơn Tây 708ha và Minh Long 566ha.

Có thể thấy, số đất thu lại rất lớn so với diện tích mà người dân cần lúc này. Tuy nhiên, việc thu hồi và cấp cho người dân đang có nhiều vấn đề. Rất nhiều diện tích đất bỏ hoang đến nay vẫn chưa thu hồi được, hoặc thu hồi rồi nhưng vẫn chưa thể cấp cho người dân sản xuất.

Đừng để dân miền núi không có rừng

Người dân miền núi trên địa bàn tỉnh sống chủ yếu dựa vào rừng và nhiều hộ giàu lên cũng từ rừng. Thế nhưng, việc hàng chục nghìn hecta đất rừng sản xuất cấp cho các doanh nghiệp lại để lãng phí là điều cần xem xét lại. Việc thu hồi số diện tích lãng phí trên để cấp cho người dân chưa có hoặc thiếu đất sản xuất là rất cần thiết.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh mới đây, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Quang Ven, cho rằng: “Người dân sống bên rừng, nhưng không sống được bằng rừng”. Bên cạnh diện tích bỏ hoang, nhiều diện tích rừng cấp cho các công ty lâm nghiệp trồng rừng sản xuất, nhưng thực tế tại khu vực trên số cây gỗ để xác định là rừng trồng lại rất èo uột...".

Không có tư liệu sản xuất, trong khi đất cấp cho doanh nghiệp bỏ hoang người dân tìm đến khai phá thì bị doanh nghiệp báo cáo vi phạm. Những vụ tranh chấp đất rừng kéo dài dai dẳng, trong đó nhiều vụ việc đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết.

Trước thực trạng rất nhiều diện tích đất rừng giao cho các công ty lâm nghiệp bỏ hoang, hoặc sản xuất không hiệu quả, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô, cho biết: Ngành nông nghiệp đang rà soát đưa ra khỏi rừng phòng hộ ít xung yếu để bố trí, giải quyết đất sản xuất cho người dân theo Quyết định 845 của UBND tỉnh. Theo đó có khoảng 19.000ha rừng phòng hộ sẽ được quy hoạch thành rừng sản xuất và sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh để hoàn thành trong quý II/2018.

“Đây là lần làm quyết liệt để dân không khiếu nại nữa. Nhưng có một số trường hợp không phải người dân không có đất sản xuất, mà nhiều trường hợp trước đây trong khi chờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thì... “bán lúa non” cả cây lẫn đất, nên mới xảy ra tình trạng thiếu đất sản xuất. Tuy vậy, Sở NN&PTNT sẽ thực hiện vấn đề này một cách quyết liệt trên tinh thần người dân sống bên rừng sẽ sống được từ rừng”, ông Tô khẳng định.

Bài, ảnh: TRẦN LÊ
 


.