Nuôi trồng thủy sản miền núi: Mục tiêu có nhưng khó thực thi

02:01, 18/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngành chức năng đặt ra mục tiêu khá rõ ràng với những mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở các huyện miền núi. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế triển khai đại trà thì gặp khó khăn. Thậm chí nhiều mô hình thất bại, dù có lợi thế.

TIN LIÊN QUAN

Mô hình tiềm năng...

Phát triển NTTS ở các địa phương miền núi được xem là một trong những cách thoát nghèo bền vững cho người dân bởi hệ thống ao, hồ rất nhiều. Trước tiềm năng trên, những năm qua, ngành nông nghiệp luôn đặt ra mục tiêu về phát triển NTTS để các địa phương thực hiện.

Mô hình nuôi cá tầm ở Sơn Tây được xem là khá triển vọng, nhưng chưa thể nhân rộng.
Mô hình nuôi cá tầm ở Sơn Tây được xem là khá triển vọng, nhưng chưa thể nhân rộng.


Ba Tơ là huyện miền núi tiên phong trong nuôi trồng thủy sản ở hồ chứa nước Tôn Dung và Núi Ngang, với mô hình nuôi cá lồng bè và mô hình NTTS tự quản. Hơn hai năm qua, người dân thôn Đá Chát, Hương Chiêng, Núi Ngang (xã Ba Liên) luôn xem hồ Núi Ngang là “nguồn sống”. Bởi thủy sản trong hồ ngoài cải thiện bữa ăn hằng ngày, còn là nguồn thu nhập khá ổn định cho người dân.

Trong khi đó, mô hình nuôi cá nước ngọt bằng lồng bè ở hồ Nước Trong của bà con xã Trà Xinh (Tây Trà) cũng được xem là khá triển vọng. Bởi địa thế, nguồn nước sạch, việc thả nuôi cá sẽ phát triển tốt.

Mô hình trên ra đời vào năm 2014 sau khi hồ chứa nước Nước Trong xây dựng xong. Và đúng như kỳ vọng, chỉ sau 6 tháng những con cá diêu hồng đã lớn nhanh, với trọng lượng từ 0,4-1kg.

Trong khi đó, mô hình nuôi cá tầm ở Sơn Tây được xem là “đột phá” bởi sự quyết tâm cao của chính quyền huyện. Những con cá từ vài lạng, sau thời gian chăm sóc đã đạt trọng lượng từ 2 - 4kg. Thậm chí nhiều con đạt trọng lượng gần 10kg.

...nhưng khó nhân rộng

Mặc dù những mô hình NTTS ở các huyện miền núi là khá ấn tượng, nhưng khi nhân rộng thì lại gặp khó từ phương pháp nuôi đến đầu ra sản phẩm. Thậm chí nhiều mô hình “chết yểu” sau thời gian ngắn.

Huyện Sơn Tây có nhiều hồ chứa nước, hồ thủy điện, nên có lợi thế rất lớn trong phát triển NTTS. Thế nhưng, đến nay trên địa bàn huyện vùng cao này dường như chưa có mô hình nào hình thành và nhân rộng.

Đề án phát triển NTTS các huyện miền núi luôn được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo và các địa phương cũng đặt ra những mục tiêu cơ bản đối với việc phát triển nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, để thực hiện công việc trên vào thực tế lại quá khó. Điển hình như hồ thủy điện Đakđrinh đến nay vẫn chưa có hộ dân nào nuôi cá lồng bè hay phương án nào khác ngoài đánh bắt tự nhiên.

Với tổng diện tích hồ có khả năng phát triển NTTS nước ngọt lên đến 2.920ha như hồ Thạch Nham, Nước Trong, Núi Ngang, Liệt Sơn, Đá Bàn, Diên Trường, Đăkđrinh… Nhưng hầu hết đều thực hiện chủ yếu theo hình thức quảng canh và thu hoạch “đánh tỉa, thả bù”. Thủy sản nước ngọt chủ yếu được nuôi với quy mô nhỏ lẻ, không tập trung dẫn đến tiêu thụ khó khăn.

Theo lãnh đạo Sở NN & PTNT, tiềm năng và lợi thế trong NTTS nước ngọt ở các huyện miền núi là rất lớn, nhưng vấn đề là việc triển khai thực hiện ở cơ sở đôi khi không được quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương chưa xem đó là phương án giảm nghèo hiệu quả, dẫn đến thí điểm thành công, nhưng nhân rộng lại thất bại.


Bài, ảnh: PV

 


.