Liên kết để tháo gỡ khó khăn trong chăn nuôi

09:01, 14/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ðể vừa tăng thu nhập cho hộ chăn nuôi, vừa giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm chất lượng, thì phải xây dựng và tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Ðây là hướng đi nhằm góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

TIN LIÊN QUAN

Theo Sở NN&PTNT tỉnh, Quảng Ngãi hiện có hơn 69.000 con trâu, 278.000 con bò, 4,9 triệu con gia cầm và hơn 401.000 con heo. Không thể phủ nhận sự đóng góp quan trọng của chăn nuôi theo phương thức nông hộ trong việc tạo nguồn thu nhập cho chính hộ gia đình trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, chăn nuôi nông hộ không phát huy hiệu quả. Do vậy, hình thức liên kết chăn nuôi là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao, tháo gỡ khó khăn đang gặp phải cho người nông dân.

Liên kết chuỗi- hướng đi bền vững

Một trong những đơn vị tiên phong thực hiện liên kết chuỗi giá trị ở Quảng Ngãi là Công ty TNHH Dịch vụ Kinh doanh Đức Hòa (Công ty Đức Hòa), với dự án đầu tư chăn nuôi heo khép kín có quy mô 12 nghìn con heo thịt mỗi năm. Hiện trang trại của công ty này đang nằm trong hệ thống liên kết hơn 3.000 trang trại, tạo công ăn việc làm cho khoảng 300 nghìn lao động của Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam.

Hình thành liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi là xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường.                                    Ảnh: TP
Hình thành liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi là xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Ảnh: TP


Công ty Đức Hòa đầu tư trang trại, hệ thống xử lý môi trường, với kinh phí hơn 16 tỷ đồng. Còn về con giống, kỹ thuật chăm sóc, thức ăn và đầu ra đều được Công ty C.P cung ứng và bao tiêu. “Chúng tôi hợp tác từ đầu vào đến khi xuất sản phẩm, nên trang trại rất yên tâm trong việc sản xuất, đầu tư mà không sợ đến biến động giá cả thị trường hay sản phẩm không tiêu thụ được”, Giám đốc Công ty Đức Hòa Lưu Thị Khương Ngọc, chia sẻ.
 

Thu hút 19 dự án đầu tư vào nông nghiệp


Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã thu hút 19 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhiều nhất là sản xuất chăn nuôi, với tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng. Điển hình như dự án Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi hay dự án chuỗi nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao OFB Mộ Đức... So với tiềm năng của ngành nông nghiệp, con số 19 dự án với hơn 1.000 tỷ đồng là chưa tương xứng. Nhưng so với thực trạng của ngành nông nghiệp tỉnh, thì đó lại là bước đột phá với những giá trị khác biệt khi chuỗi liên kết được kiến tạo, đời sống nông dân thêm khởi sắc.

Trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng với quy mô 36.000 con tại xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) cũng đang hoạt động theo liên kết chuỗi. Trang trại chăn nuôi theo quy trình công nghiệp khép kín và được áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Hệ thống nước uống, máng ăn, máng lấy trứng, xử lý phân đều tự động và sử dụng hệ thống làm mát hiện đại.

Trang trại hợp đồng với Công ty Charoen Pokphand Việt Nam, nên gà giống, thức ăn, thuốc thú y được doanh nghiệp cung cấp và sản phẩm được bao tiêu theo hợp đồng. Anh Ngô Nên - Quản lý Trang trại Chăn nuôi gia cầm Nghĩa Điền cho hay: Đầu ra của thịt gia cầm có công ty bao tiêu sản phẩm, nên chăn nuôi rất yên tâm. Phát triển chăn nuôi có liên kết với tinh thần hợp tác, chia sẻ lợi nhuận, mang lại hiệu quả, nên người chăn nuôi luôn có đủ cơ sở để duy trì lâu dài.

Tạo bước khởi sắc cho chăn nuôi

Toàn tỉnh hiện có 56 trang trại chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp áp dụng mô hình chăn nuôi theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Việc thực hiện liên kết theo chuỗi giúp chăn nuôi phát triển ổn định, vừa bảo đảm cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Người chăn nuôi được ứng trước thức ăn chăn nuôi, tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật, được cung cấp vật tư nông nghiệp có chất lượng, giảm rủi ro và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Lợi ích từ liên kết chuỗi đã thấy rõ, nên Quảng Ngãi luôn đề ra các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư để gỡ khó cho người chăn nuôi. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục nâng cao vai trò quản lý, tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Quảng Ngãi Đỗ Đình Chung chia sẻ: “Hình thành liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất chăn nuôi là xu thế phát triển tất yếu trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tỉnh Quảng Ngãi sẽ thực hiện Nghị định 210 cũng như Quyết định 36/2016 của UBND tỉnh để thu hút các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp”.

Quảng Ngãi luôn xác định nguồn lực đầu tư là quan trọng, cơ chế chính sách là cần thiết, người dân và đội ngũ cán bộ lãnh đạo là quyết định. Những tấm “thảm đỏ” từ Nghị quyết Tam nông đang được hy vọng sẽ thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đến với Quảng Ngãi để hình thành mối liên kết “bốn nhà” bền vững, tạo bước khởi sắc trong lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.


THANH PHƯƠNG

 


.