Bước chuyển của tư duy làm nông nghiệp

03:01, 07/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Là “bệ đỡ” của nền kinh tế, nông nghiệp được trông đợi sẽ mang lại giá trị thương mại cao. Nhưng sau những kỳ vọng, đến nay nông nghiệp vẫn phát triển theo “số lượng”. Vì vậy, muốn tạo bước chuyển về chất, cần chuyển đổi tư duy làm nông nghiệp theo nền nông nghiệp 4.0.

Năm 2017, sản lượng lương thực toàn tỉnh ước gần 500 nghìn tấn, đạt 102% kế hoạch. Tổng đàn gia súc gần 750 nghìn con. Diện tích nuôi thủy sản trên 1.400ha, sản lượng ước đạt 6.900 tấn. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng đã xây dựng 105 cánh đồng lớn, với quy mô trên 2.100ha; chuyển đổi khoảng 1.700ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn; dồn điền đổi thửa 2.700ha... Tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt trên 14,5 nghìn tỷ đồng.

Từ cách sản xuất cũ...

Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt bình quân 4,5%/năm. Song, tăng trưởng của nông nghiệp trong thời gian qua chủ yếu là từ mở rộng diện tích, lạm dụng phân hóa học trong sản xuất, nên kém bền vững. Vì thế, dù sản lượng tăng, nhưng chất lượng sản phẩm không cao, giá trị gia tăng thấp. Nguyên nhân là do lĩnh vực nông nghiệp kém hấp dẫn nhà đầu tư, lại chưa được bố trí nguồn vốn tương xứng...

Tốc độ tăng trưởng khá, nhưng lĩnh vực trồng trọt hiện vẫn
Tốc độ tăng trưởng khá, nhưng lĩnh vực trồng trọt hiện vẫn "lấy sản lượng làm mục tiêu". Ảnh: MH


Thực tế, đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng rất thấp. Như thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015-2017, tổng nguồn vốn bố trí 781 tỷ đồng, chỉ đáp ứng 18% so với nhu cầu. Trong khi đó, ngành đóng góp 14 - 17% GRDP toàn tỉnh.

Đầu tư của doanh nghiệp (DN) vào lĩnh vực nông nghiệp không chỉ thấp, thiếu ổn định mà còn bất hợp lý. Đơn cử như lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Thay vì đầu tư liên kết theo chuỗi sản xuất-tiêu thụ, hoặc đầu tư vào lĩnh vực chế biến để nâng cao giá trị gia tăng, thì một số DN tập trung vào việc khai thác tiềm năng, nguồn lực sẵn có về tài nguyên, hoặc kinh doanh thương mại. Vì vậy, dù hợp tác làm ăn, nhưng một số DN không xem nông dân là đối tác, mà là đối tượng làm công!

Hơn nữa, việc khai thác, sử dụng đất còn lãng phí. Trong khi nhiều dự án chiếm đất trồng rừng khá lớn, nhưng hiệu quả sử dụng thấp; trong khi DN lại không có quỹ đất sạch, để sản xuất quy mô lớn.

Khắc phục những bất cập nêu trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho rằng: “Bên cạnh nguồn vốn thì diện tích đất sản xuất của ngành nông nghiệp cần phải được “quy về một mối”, tạo điều kiện thu hút DN đầu tư, áp dụng các công nghệ thâm canh và nuôi trồng hiện đại. Nhưng để làm được điều này, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội”.
 

Lịch sử nông nghiệp 4.0 bắt đầu từ 1.0-nông nghiệp hữu cơ, 2.0-cách mạng xanh, 3.0-nông nghiệp chính xác và 4.0-nông nghiệp thông minh. Vì vậy, nếu như nông nghiệp công nghệ cao tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, thì nông nghiệp 4.0 chính là thay đổi phương thức quản lý, giúp nông dân kiểm soát và giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.

...Sang kinh tế "nông nghiệp 4.0"

Điểm nghẽn lớn nhất của sản xuất nông nghiệp hiện nay là chi phí cao, nhưng chất lượng kém. Vì vậy, đã đến lúc phải thay đổi tư duy “sản xuất lương thực” sang “nông nghiệp làm giàu”, với trọng tâm là giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất. Ngành nông nghiệp, chính quyền các cấp phải tìm lời giải cho đầu ra sản phẩm; làm gì để nông dân biết xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh và tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước? Làm gì để thu hút lao động có trình độ kỹ thuật cao vào nông nghiệp?...

Thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua, UBND tỉnh và ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh việc thu hút, lựa chọn DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Giai đoạn 2015-2017 đã có 19 dự án do DN tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 1.000 tỷ đồng. Có 46 DN hợp đồng liên kết sản xuất với HTX và nông dân trên 2.600ha lúa. Song, theo đánh giá của ông Dương Văn Tô thì: “Bên cạnh sự vào cuộc của DN, ngành nông nghiệp cần cơ chế đột phá về thể chế, chính sách khuyến khích để phát triển theo chiều sâu, nâng cao giá trị gia tăng”.

Trong đó, cần quan tâm tạo điều kiện để thương mại hóa công nghệ; hỗ trợ nông dân, DN, HTX tiếp nhận công nghệ, quảng bá sản phẩm. Cần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa thông qua việc hình thành các trang trại ở những vùng được chỉ định và có khả năng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, khuyến khích hoạt động nông nghiệp theo hợp đồng, khắc phục tình trạng nông hộ nhỏ không tiếp cận được đầu vào và dịch vụ nông nghiệp, góp phần “chính thức hóa” mối liên hệ giữa nông hộ nhỏ với ngành chế biến thực phẩm.


MỸ HOA

 


.