Triển vọng từ cây gai xanh

03:12, 28/12/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sợi, may mặc đã "ngỏ ý" chọn Quảng Ngãi là một trong những địa phương để trồng và phát triển cây gai xanh làm nguyên liệu sợi dệt. UBND tỉnh cũng đã đồng ý triển khai trồng thử nghiệm giống cây gai xanh. Nếu thành công, cây gai xanh hứa hẹn sẽ trở thành cây " làm giàu" cho người nông dân Quảng Ngãi.
 
Điều kiện thổ nhưỡng phù hợp
 
Cây gai xanh, còn gọi là cây lá gai đã được trồng khá lâu đời tại Quảng Ngãi, nhưng chủ yếu là được người dân thu hái để làm bánh (bánh ít lá gai). Song, đây là cây nguyên liệu hàng đầu để làm sợi dệt cho ngành may mặc. Hiện nay, cây gai xanh đã được trồng khá thành công ở tỉnh Thanh Hóa và Sơn La và được xem là cây làm giàu cho người nông dân, bởi hiệu quả kinh tế mà cây lá gai mang lại cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng truyền thống khác.
 
Ông Trần Ngọc Thương- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho biết, cây gai xanh có nguồn gốc nhiệt đới, là loài ưa nóng, ẩm, không chịu ngập úng, phù hợp với đất phù sa ven sông. Trong khi đó, khí hậu Quảng Ngãi là khí hậu nhiệt đới gió mùa. Đất ở Quảng Ngãi có thành phần cơ giới nhẹ, hơi chặt, thích hợp trồng mía và các cây công nghiệp ngắn ngày. Xét về điều kiện tự nhiên, đặc tính sinh lý của cây gai xanh cho thấy, tiềm năng phát triển cây gia xanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là hoàn toàn khả thi.
 
Cây gai xanh đang được trồng phổ biến tại các vùng quê Quảng Ngãi
Quảng Ngãi có điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp cho cây gai xanh phát triển (Trong ảnh, cây gai xanh đang được người dân Quảng Ngãi trồng để làm bánh)
 
Qua đánh giá, cây gai xanh có nhiều đặc tính tốt, giá trị sử dụng cao, thân vỏ có thể sản xuất thành sợi dệt vải chất lượng tốt, lá được sử dụng làm bánh gai, tách chiết lấy tinh dầu, sản xuất chất màu tự nhiên phục vụ cho ngành công nghiệp thực phẩm và sử dụng làm thức ăn cho gia súc, lỏi cây gai được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất giấy, làm chất đốt và làm nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ phân vi sinh… Bên cạnh đó, cây gai xanh có khả năng giữ ẩm, tăng độ che phủ, cải tạo lý tính của đất, tăng độ phì nhiêu cho đất, làm đất tơi xốp, chống xói mòn và bảo vệ đất hiệu quả.
 
Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, Sở Khoa học và Công nghệ khẳng đã tiến hành khảo sát đặc tính về điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng của cây lá gai xanh với kết quả phân tích một số chỉ tiêu mẫu đất... qua đó có thể khẳng định, tại Quảng Ngãi cây lá gai xanh tạo sợi có thể phát triển tốt ở các vùng đất bãi ven sông, đất sườn đồi độ dốc dưới 10%... tổng diện tích có thể hình thành vùng nguyên liệu khoảng 3.000- 4.000ha.
 
Giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định
 
Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý việc Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp 24/3 trồng thử nghiệm để theo dõi, đánh giá, nhận xét tính phù hợp, hiệu quả của cây gai xanh trên địa bàn tỉnh.
 
Trước khi tiến hành khảo nghiệm sản xuất cây gai xanh, yêu cầu Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp 24/3 trực tiếp làm việc với các cơ quan, đơn vị có chức năng của tỉnh, tiến hành lựa chọn địa điểm, xây dựng kế hoạch thực hiện việc khảo nghiệm đảm bảo phù hợp, đúng quy định.
 
Báo cáo địa điểm, quy mô, thời gian thực hiện cho các cơ quan, đơn vị có chức năng của tỉnh để kiểm tra và theo dõi. Kết thúc đợt khảo nghiệm sản xuất, lập báo cáo đánh giá, nhận xét về kết quả, hiệu quả khảo nghiệm, gửi Sở NN&PTNT để xem xét, tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương nhân rộng vùng sản xuất cây gai xanh.
Qua khảo sát thực tế ở một số tỉnh và từ nhu cầu sợi tự nhiên của thị trường hiện nay cho thấy, việc trồng và chế biến cây gai xanh sẽ mang lại thu nhập cao cho người nông dân, tạo chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ, tạo ra hiệu quả kinh tế lâu dài, tạo việc làm thường xuyên, ổn định đời sống cho người dân địa phương.
 
Hiện nay, Công ty CP Đầu tư phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu An Phước đã triển khai trồng cây gai xanh (giống AP1) khá thành công tại tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, Công ty An Phước cũng đã xây dựng Nhà máy sản xuất sợi dệt tại tỉnh Thanh Hóa với công suất 10.000 cọc sợi/năm, tương ứng với đầu ra 1.700 tấn sợi/năm; bông gai 1.500 tấn/năm. Tuy nhiên, với vùng nguyên liệu hiện tại thì chỉ mới đáp ứng được 50% công suất nhà máy.
 
Lãnh đạo Công ty An Phước cho biết, công ty muốn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tại Quảng Ngãi với diện tích trên 4.000 ha. Khi vùng nguyên liệu đạt tới 3.000 ha thì công ty sẽ tiến hành xây dựng một nhà máy sản xuất sợi dệt ngay trên địa bàn tỉnh với kinh phí trên 1.000 tỷ đồng.
 
Hiện nay tại tỉnh Thanh Hóa, cây gai xanh mang lại giá trị kinh tế khá cao cho người dân. Bởi, trung bình một ha cây gai xanh sau khi trừ chi phí người nông dân có thể lãi từ 40 đến 50 triệu đồng. Chu kỳ cây gai xanh khoảng từ 8-10 năm. So với tất cả các loại cây trồng khác như mía, mì, ngô thì cây gai xanh cho lợi nhuận cao gấp 3 lần.
 
Công ty An Phước cũng cho biết, khi đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tại Quảng Ngãi, công ty sẽ hỗ trợ giống, chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc, đồng thời cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân...
 
Bài, ảnh: M.Toàn
 
 
 
 

.