Thu gom phế liệu để giúp người nghèo

10:12, 16/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tuy mới được thành lập hơn 1 năm, nhưng mô hình thu gom phế liệu của Chi hội phụ nữ thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận (Bình Sơn) đã tiết kiệm hơn 40 triệu đồng giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn.

Chi hội trưởng phụ nữ thôn Đông Lỗ Nguyễn Thị Cầu cho hay, hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động của cấp trên, Chi hội phụ nữ thôn Đông Lỗ tổ chức họp chị em và thống nhất xây dựng mô hình “Thu gom phế liệu” để gây quỹ, giúp đỡ hội viên, phụ nữ, trẻ em nghèo, đồng thời góp phần làm sạch môi trường.

Phụ nữ ở thôn Đông Lỗ xã Bình Thuận (Bình Sơn) thu gom phế liệu.
Phụ nữ ở thôn Đông Lỗ xã Bình Thuận (Bình Sơn) thu gom phế liệu.


Mô hình thu gom phế liệu của phụ nữ ở Đông Lỗ triển khai từ tháng 7.2016, với sự tham gia của 20 hội viên, đến nay phát triển được 28 hội viên. Vào thứ 7, chủ nhật hằng tuần, chị em trong tổ chia thành từng nhóm để đi mua phế liệu của các hộ gia đình trong thôn. Mỗi tháng các chị xuất bán phế liệu 2 lần, mỗi lần bán thu  lãi hơn 2 triệu đồng.

Đến nay, mô hình đã đem lại cho chi hội số tiền hơn 40 triệu đồng. Từ nguồn tiền ấy, Chi hội Phụ nữ thôn Đông Lỗ đã nhận cấp dưỡng thường xuyên cho 3 cụ già neo đơn (10kg gạo/người/tháng) và hỗ trợ 250 suất quà gồm các nhu yếu phẩm, mỗi suất trị giá 165 nghìn đồng cho phụ nữ nghèo, trẻ em khuyết tật... Số tiền tuy không nhiều, nhưng đã giúp nhiều chị em vượt qua những khó khăn về tinh thần lẫn vật chất. Cụ bà Nguyễn Thị Dẻo (85 tuổi) bị mù hai mắt, cuộc sống rất khó khăn, nên được Chi hội phụ nữ thôn Đông Lỗ hỗ trợ thường xuyên từ nguồn kinh phí thu gom phế liệu. Bà Dẻo xúc động nói: “Hằng tháng bà đều được chi hội phụ nữ thôn đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gạo. Bà vui lắm, vì không những có người bầu bạn, mà còn được quan tâm”.  

Thấy hiệu quả từ mô hình đem lại, nhiều người dân trong thôn đã dành phế liệu và bán với giá rẻ cho tổ thu gom. Nhiều chị còn nhặt từng vỏ chai, gom từng cái lon… đem cho tổ thu gom. Bà Nguyễn Thị Hồng (66 tuổi), thổ lộ: “Đây là mô hình hay, có tính nhân văn sâu sắc. Vì vậy, tôi đã đóng góp công sức bằng việc nhặt vỏ chai khi vô tình nhìn thấy ngoài đường, hay gom những vật dụng không còn sử dụng trong gia đình đem cho tổ”. Chị Nguyễn Thị Thọ (49 tuổi) tham gia vào tổ thu gom phế liệu từ những ngày đầu thành lập. Mặc dù hoàn cảnh kinh tế gia đình chị Thọ rất khó khăn, nhưng chị vẫn tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần để tham gia cùng với tổ thu gom phế liệu.

Với tinh thần tương thân tương ái, chị em phụ nữ ở thôn Đông Lỗ đã tích cực tham gia thực hiện mô hình thu gom phế liệu để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ hỗ trợ về mặt tinh thần lẫn vật chất, việc làm của các chị còn góp phần quan trọng vào việc giữ gìn vệ sinh chung, đảm bảo môi trường xanh- sạch- đẹp.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.