Thống đốc: Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục gần 52 tỷ USD

07:12, 30/12/2017
.

Trong năm 2017 chúng ta đã mua vào khoảng 13 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, đây là mức kỷ lục và đến ngày hôm nay, tổng dự trữ ngoại hối Nhà nước chính thức ở mức xấp xỉ 52 tỷ USD.
 
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết như trên tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, sáng 29/12 tại Hà Nội.
 
Bày tỏ sự nhất trí cao đối với báo cáo kết quả điều hành kinh tế - xã hội năm 2017 của Chính phủ, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, theo ý kiến một số lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo các bộ ngành tại Hội nghị này cũng như các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, các ngân hàng, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế thì năm 2017 Chính phủ rất thành công trong việc vừa thực hiện ổn định kinh tế vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt ở mức cao.
 
Đặc biệt, Chính phủ rất kiên định trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, tạo sự tin tưởng cho nền kinh tế, cộng đồng các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là tin tưởng vào sự kiên định lập trường chính sách của Chính phủ, kiên định trong việc giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát ở mức thấp để tạo dựng môi trường ổn định cho phát triển kinh tế bền vững cho trung và dài hạn. Đây là điểm sáng quan trọng tạo đà cho phát triển kinh tế, tạo đà cho năm 2017 và các năm tiếp theo.
 
Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, trên cơ sở kiên định lập trường chính sách của Chính phủ như vậy, về công tác hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trong năm 2017, NHNN cũng đã phối hợp rất chặt chẽ với các chính sách vĩ mô khác, đặc biệt là chính sách tài khóa để giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát ở mức thấp, đồng thời hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
 
Thứ nhất, như báo cáo của Chính phủ là lạm phát cơ bản năm 2017 chỉ duy trì bình quân 1,41%, chứng tỏ công cụ điều hành CSTT đã đi đúng hướng.
 
Thứ hai, theo chỉ đạo chung của Chính phủ và Thủ tướng, trong năm vừa qua NHNN đã thực hiện đồng bộ các công cụ điều hành để giảm lãi suất điều hành, qua đó các tổ chức tín dụng (TCTD) trong năm 2017 đã giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1%. Nhiều TCTD áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, xếp hạng tín nhiệm cao khoảng 4-5%/năm; triển khai chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm. "Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ giảm chi phí kinh doanh cho nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng", Thống đốc lê Minh Hưng nhấn mạnh.
 
Thứ ba, bên cạnh việc mở rộng tín dụng, hệ thống ngân hàng đã tập trung rất mạnh cho việc đảm bảo an toàn chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng rất thận trọng để tránh những tác động bất lợi đến cân đối vĩ mô, kiểm soát được lạm phát và giữ được an toàn hoạt động ngân hàng.
 
Đặc biệt, cơ cấu tín dụng đã tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là một số ngành kinh tế trọng điểm như công nghiệp chế biến, chế tạo đến cuối năm dự kiến tăng trên 30%, tín dụng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trên 28%, tín dụng nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng 21%. Tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro đã được kiểm soát rất chặt theo chỉ đạo của Chính phủ và của NHNN.
 
Thứ tư, về công tác điều hành tỷ giá và điều hành thị trường ngoại hối, đến ngày hôm nay, tổng dự trữ ngoại hối Nhà nước chính thức ở mức xấp xỉ 52 tỷ USD. Trong năm 2017 chúng ta đã mua vào khoảng 13 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, đây là mức kỷ lục.
 
"Công tác điều hành chính sách tỷ giá và thị trường ngoại tệ đã cung ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế, đảm bảo hỗ trợ cho xuất khẩu, kiểm soát được sự ổn định của thị trường ngoại tệ. Đặc biệt, việc tăng dự trữ ngoại hối có ý nghĩa rất lớn trong việc củng cố vị thế, uy tín quốc gia, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư  khi đầu từ vào Việt Nam", Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng vui mừng thông báo.
 
Thứ năm, trong năm vừa qua theo chỉ đạo của Chính phủ, toàn hệ thống ngân hàng đã rất chủ động và quyết liệt trong việc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
 
Theo đó, NHNN đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu, đã trình Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt lộ trình Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020; đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 để thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các TCTD. Việc đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD góp phần đảm bảo cho hoạt động của hệ thống ngân hàng an toàn bền vững hơn, góp phần thiết thực vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng.
 
Thứ sáu, thực hiện chỉ đạo theo Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ, công tác cải cách hành chính trong toàn hệ thống ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, các TCTD đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới, đơn giản hóa quy trình cho vay, công khai thủ tục vay vốn, cắt giảm các khoản phí, chi phí không cần thiết... Nhờ đó, chỉ số “tiếp cận tín dụng” của Việt Nam đã được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN. Đồng thời, NHNN năm thứ hai liên tiếp giữ vị trí dẫn đầu trong số các Bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính.
 
"Những nỗ lực và kết quả tích cực của hoạt động ngân hàng trong năm qua đã góp phần quan trọng vào tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi giúp Chính phủ đạt tất cả các mục tiêu đặt ra, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế - một điểm sáng thành công của Việt Nam trong năm 2017”, Thống đốc khẳng định.
 
Về năm 2018, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, đây sẽ là năm đặc biệt quan trọng với ngành Ngân hàng khi triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD.
 
Do vậy NHNN sẽ chỉ đạo và hỗ trợ tối đa cho các TCTD để đẩy nhanh xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 để tích cực thu hồi nợ và hướng dẫn triển khai quyết liệt việc cơ cấu lại các TCTD theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Thực hiện các giải pháp về nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, chuyển đổi mô hình quản trị, điều hành, tăng cường minh bạch hóa hoạt động của các TCTD phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng.
 
Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến của thị trường nhằm đảm bảo các cân đối vĩ mô, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đặt ra. Đặc biệt, với việc tăng cường xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các TCTD cùng với các chính sách điều hành chủ động và linh hoạt của NHNN như giãn lộ trình áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn với mức 45% từ 1/1/2018 và mức 40% từ 1/1/2019; đã ban hành Thông tư để tiếp tục cho vay ngoại tệ.
 
Cùng với điều tiết thanh khoản, NHNN chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, sẽ là cơ sở cho việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Qua đó giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tốt hơn.
 
Đồng thời, tiếp tục điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ một cách ổn định; tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, tiếp tục chỉ đạo mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả; tập trung tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với ngành, lĩnh vực theo chủ trương của Chính phủ, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP; tiếp tục khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP và phối hợp với địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp.
 
Thống đốc Lê Minh Hưng tin tưởng rằng với tinh thần chỉ đạo của của Chính phủ như dự thảo Nghị quyết 01 cũng như sự hỗ trợ, phối hợp của các địa phương thì hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực hỗ trợ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.
 
Theo Chinhphu.vn

.