Nước mắm Sơn Mỹ: Hành trình tìm chỗ đứng

09:12, 04/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ông Trần Quốc Ca, người có thâm niên hơn 25 năm làm nghề chế biến nước mắm. Sản phẩm của cơ sở ông mang nhãn hiệu "Nước mắm Sơn Mỹ". Tuy nhiên, để tạo được niềm tin cho người tiêu dùng và tạo dựng chỗ đứng trên thị trường là điều không dễ...

TIN LIÊN QUAN

Thăng trầm giữ ghề

Giữa tiết trời dịu nhẹ của ngày đầu đông, ông Ca-chủ cơ sở chế biến nước mắm Sơn Mỹ, ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) vẫn  miệt mài đảo lại những bể ủ mắm. Lau vội giọt mồ hôi lăn trên gương mặt rám nắng, ông kể câu chuyện về hành trình ủ cá... để có giọt nước mắm nhỉ từ cá cơm, cũng như hành trình mang chai mắm quê hương đi khắp nơi... Sinh ra ở xứ biển, ông Ca gắn bó với nghề từ thuở đôi mươi.

Sản phẩm nước mắm Sơn Mỹ của ông Ca.
Sản phẩm nước mắm Sơn Mỹ của ông Ca.

Những ngày đầu khởi nghiệp, ông lặn lội đi nhiều nơi để “tầm sư học đạo”. Những mẻ cá được muối những ngày đầu, cũng hư lên hư xuống. Không những vậy, vị mắm cho ra lò cũng không hề thuận lợi, lúc đậm lúc nhạt. Cứ thế, thất bại rồi làm lại, ông dần tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn. Sản xuất mắm vất vả bao nhiêu, thì đi bán mắm cũng vất vả không kém. “Hồi xưa, bán nước mắm phải gánh bằng gánh hoặc đi bằng đò, đạp xe lên các vùng, miền của tỉnh, dù vất vả nhưng lãi không bao nhiêu, đủ nuôi 3 đứa con tuổi ăn, tuổi học. Tuy vậy, hồi đó trên thị trường không có cạnh tranh nhiều, nên ai có sức cứ đi bán”, ông Ca kể.

Tuy nhiên, với cơ chế thị trường hiện nay, ngoài đảm bảo uy tín, chất lượng thì rất cần khâu quảng bá rộng rãi thì mới có cơ hội đưa nước mắm quê hương vươn xa, tiêu thụ mạnh trên thị trường. Chính vì vậy mà nhiều cơ sở mắm truyền thống không thể trụ vững. Toàn xã Tịnh Khê chỉ có 4 hộ làm nước mắm truyền thống quy mô lớn, tuy nhiên, với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường nên có 3 cơ sở đã lần lượt giải thể, chỉ còn cơ sở của ông Ca, mỗi năm sản xuất đều đặn gần 15.000 lít. Với ông, để từng bước khẳng định thương hiệu giọt mắm thuần khiết được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng, là chặng đường không hề dễ dàng.

Ông Ca chia sẻ, để sống được với nghề thì trước hết, người sản xuất phải có đạo đức kinh doanh. Giọt mắm có ngon, có chất lượng, an toàn thì người tiêu dùng mới tin tưởng chọn dùng. Với ông, để sản xuất nước mắm từ cá cơm ngon thì quy trình làm nước mắm ở đây phải đầy đủ các khâu từ chọn con cá, ướp muối, đến lúc làm ra mẻ nước mắm. Để chọn cá, đích thân ông đi đến các vùng biển như Tịnh Kỳ, Bình Châu để mua cá tại các bạn hàng quen biết. Tuyệt đối cá cơm muối không chọn cá qua ướp đá, vì cá đã ướp đá thì sẽ không ăn muối tốt, mắm sẽ không thơm ngon. Còn muối cũng phải chọn muối Sa Huỳnh sạch.

Trăn trở vươn ra thị trường

Cơ sở nước mắm Sơn Mỹ của ông Ca là một trong những cơ sở truyền thống đầu tiên  đăng ký kinh doanh, đăng ký nhãn hiệu nước mắm cho cơ sở. Năm 2002, từ nhãn hiệu mắm Quốc Ca đến năm 2014, ông đăng ký đổi lại thương hiệu Sơn Mỹ cho đến nay. Ông Ca cho biết, việc đăng ký nhãn hiệu nước mắm nhằm khẳng định thương hiệu, chất lượng và tạo uy tín cho sản phẩm trên thị trường. Cũng nhờ có nhãn hiệu riêng mà nước mắm của gia đình ông ngày càng được nhiều khách hàng gần xa biết đến. Quy mô chế biến của cơ sở ông được mở rộng qua từng năm. Mỗi tháng sản xuất ra hơn 1.000 lít, giải quyết công ăn việc làm cho 5-7 lao động thời vụ. “Nước mắm Sơn Mỹ dù đắt gấp đôi nước mắm công nghiệp, nhưng chất lượng thì khỏi bàn”, bà Bùi Thu Huệ, ở đường Nguyễn Trãi, một trong những khách hàng tin dùng nước mắm Sơn Mỹ chia sẻ.

 Theo ông Ca, việc tiêu thụ nước mắm Sơn Mỹ vẫn còn quy mô nhỏ, lẻ. Việc mở rộng thị trường cho nước mắm Sơn Mỹ hiện nay là một bài toán khó, bởi vài năm gần đây, nước mắm công nghiệp tràn lan thị trường, mắm quê thành ra lao đao vì cạnh tranh không nổi. Mắm công nghiệp giá rẻ hơn, bao bì bắt mắt hơn. Chính vì vậy, bên cạnh xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, ông Ca cũng liên hệ nhiều nơi để tìm chỗ đứng cho sản phẩm. Năm 2016, sản phẩm nước mắm Sơn Mỹ của ông được UBND tỉnh chứng nhận hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Bài, ảnh: KIM NGÂN

 


.