Giải ngân vốn xây dựng cơ bản: Có tiền, nhưng "không" biết tiêu

08:12, 06/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hàng loạt dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách tiến độ thi công quá chậm, dẫn đến kết quả giải ngân không như mong muốn. Đặc biệt, nhiều dự án sử dụng vốn chuyển tiếp của những năm trước cũng rơi vào cảnh giải ngân chậm và nguy cơ bị cắt vốn có thể xảy ra.

TIN LIÊN QUAN

Tỷ lệ giải ngân quá thấp

Kế hoạch vốn tỉnh giao cho các đơn vị thực hiện đầu tư công năm 2017 số tiền hơn 3.178 tỷ đồng, cao hơn 100 tỷ đồng so với dự toán Trung ương giao. Đến quý II và quý III năm 2017, tỉnh tiếp tục giao vốn bổ sung để thực hiện một số chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của địa phương với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hơn 524 tỷ đồng trong kế hoạch vốn năm 2016 được cho phép kéo dài đầu tư và giải ngân sang năm 2017 cũng cần phải giải ngân. Như vậy, tổng nguồn vốn phân bổ thực hiện đầu tư công trên địa bàn tỉnh năm 2017 là hơn 4.707 tỷ đồng.

  Năm tài chính 2017 sắp khép lại nhưng công tác giải ngân vốn xây dựng cơ bản chỉ đạt khoảng 56% . Trong ảnh:  Dự án đường Trì Bình-Dung Quất một trong 5 dự án có nguy cơ bị cắt vốn do không giải ngân hết vốn chuyển tiếp.
Năm tài chính 2017 sắp khép lại nhưng công tác giải ngân vốn xây dựng cơ bản chỉ đạt khoảng 56% . Trong ảnh: Dự án đường Trì Bình-Dung Quất một trong 5 dự án có nguy cơ bị cắt vốn do không giải ngân hết vốn chuyển tiếp.


Tuy nhiên, đến thời điểm 15.11.2017, các chủ đầu tư mới chỉ giải ngân được hơn 2.600 tỷ đồng (56%). Trong đó, vốn kế hoạch năm 2017 giải ngân được gần 2.177 tỷ đồng, vốn giao bổ sung giải ngân được hơn 97 tỷ đồng (10%). Riêng nguồn vốn chuyển tiếp từ năm 2016, chỉ giải ngân hơn 339 tỷ đồng, trong khi đó thời hạn quy định chỉ còn hơn một tháng nữa là khép lại. Trong đó, các dự án sử dụng vốn chương trình mục tiêu giải ngân đạt thấp nhất, khi chỉ đạt 26% (17,2/66,2 tỷ đồng).

Nguồn vốn năm 2017 tỉnh giao, để đầu tư xây dựng cơ bản chủ yếu tập trung vào hạ tầng giao thông, kênh mương thủy lợi và các dự án hạ tầng khác như giáo dục, y tế... Trong đó, vốn xây dựng cơ bản tập trung đến nay mới giải ngân đạt khoảng 74%, số tiền còn lại phải giải ngân trong tháng cuối năm 2017 là hơn 500 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn thu từ quỹ đất được bố trí đầu tư công đến nay cũng chỉ giải ngân đạt 44% (224/550 tỷ đồng)...

Nguy cơ cắt vốn

Trong khi nhiều dự án đang "khát vốn" để thực hiện, thì nhiều dự án được bố trí vốn, nhưng không sử dụng hết là một nghịch lý. Theo Trưởng Phòng Tài chính đầu tư (Sở Tài chính) Nguyễn Văn Tự, Sở chỉ là đơn vị giao vốn theo phân bổ vốn từ Sở KH&ĐT, nhưng với thực trạng hiện nay là rất đáng lo ngại. Bởi, đã phân bổ vốn mà không giải ngân hết là thiệt thòi đối với các dự án khát vốn. Cụ thể như dự án cầu Thạch Bích, đến thời điểm này tiến độ giải ngân đã đạt 100% kế hoạch vốn, trong khi khối lượng thi công vượt rất lớn so với vốn giao.

Trong số các nhóm dự án giải ngân chậm thì 5 dự án thực hiện vốn chuyển tiếp từ năm 2015 được xem là “nóng” nhất gồm các dự án: Đường bờ nam sông Trà Khúc, đường Trì Bình- Dung Quất, đường tránh lũ cứu nạn cứu hộ vùng Tây Quảng Ngãi, kè chống sạt lở kết hợp đường cứu hộ cứu nạn di dân tái định cư neo đậu tàu thuyền – đập Cà Ninh và dự án Đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Được biết, 230 tỷ đồng mà 5 dự án không thể giải ngân được là từ nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương năm 2014 để thực hiện cải cách tiền lương, với tổng số tiền 700 tỷ đồng để bố trí cho 5 dự án. Tuy nhiên, việc không giải ngân hết thì nguy cơ bị cắt vốn là rất lớn. Theo quy định của Chính phủ, một khi đã được cho phép chuyển tiếp vốn kéo dài thời gian thực hiện mà không giải ngân hết theo mốc thời gian quy định, thì phải thu hồi vốn. Trường hợp, nếu muốn tiếp tục thực hiện và được cấp vốn trở lại phải được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Lý giải nguyên nhân “không tiêu hết tiền”, một số cơ quan, đơn vị cho rằng, vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng nên không thể thi công, dẫn đến không thể giải ngân. Đối với dự án đầu tư thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì hầu hết đều là thiết bị công nghệ cao, lần đầu triển khai, nên phải mời các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực tim mạch ở các bệnh viện lớn về chuyển giao công nghệ. Riêng nguồn vốn giao bổ sung hơn 1.000 tỷ đồng được giao vốn vào cuối quý III/2017, thời tiết thường xuyên mưa lũ, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2017, đảm bảo sử dụng hiệu quả và hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao. Đối với những dự án chậm tiến độ, có tỷ lệ giải ngân thấp, không đảm bảo khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao phải chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh điều chuyển kế hoạch vốn cho các dự án có khối lượng hoàn thành vượt kế hoạch vốn được giao, dự án cấp bách, có nhu cầu về vốn...


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.