Đi tìm thương hiệu mật ong Quảng Ngãi

02:12, 13/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Dây chuyền chế biến mật ong nuôi tại Quảng Ngãi, cung cấp cho thị trường trong nước và định hướng xuất khẩu” là ý tưởng đoạt giải Nhất cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp" năm 2017 do Sở KH&ĐT phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức.

“Từ kiến thức và kinh nghiệm giảng dạy, cũng như hoạt động nghiên cứu khoa học nhiều năm, tôi đã tìm hiểu công nghệ chế biến mật ong, cung cấp sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Thế, giảng viên Khoa Công nghệ, Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh (Phân hiệu Quảng Ngãi) về ý tưởng vừa đoạt giải Nhất của nhóm mình.

Hướng đi cho mật ong nuôi

Theo thống kê của ông Nguyễn Hữu Thế, năm 2017, trong tỉnh có khoảng 220 trại ong với 91.000 đàn ong, tập trung nhiều nhất ở Trà Bồng và Nghĩa Hành. Tính trung bình một đàn ong thu 35kg mật/năm, mỗi năm doanh thu khoảng 90 tỷ đồng. Nhưng trong số đó chỉ có 6,8% người dân Quảng Ngãi nuôi ong, còn lại là người dân các tỉnh khác.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa- Internet


Số lượng đàn ong nuôi dưới các tán rừng keo tại các huyện miền núi và trung du trong tỉnh rất lớn. Hầu hết lượng mật ong này được các doanh nghiệp phía nam mua về chế biến cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Mật ong từ lâu được biết đến như loại thuốc quý sử dụng trong nhiều lĩnh vực như sức khỏe, làm đẹp, thực phẩm... Nhưng từ trước đến nay, người sử dụng mật ong chủ yếu mua qua niềm tin, sẵn sàng chi nhiều tiền để mua mật ong rừng. Nhiều người vẫn nghĩ mật ong nuôi không từ thiên nhiên mà do người nuôi cho ăn đường lấy mật.

“Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh cả mật ong rừng hay mật ong nuôi đều do con ong đi lấy mật về tạo nên, chất lượng tương đương nhau. Và mật ong từ nách lá cây keo không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Đây chính là mật ong hữu cơ. Chưa kể, mỗi năm nước ta xuất khẩu hàng nghìn tấn mật ong, chứng tỏ nguồn mật ong nuôi dồi dào và chất lượng”, ông Thế chia sẻ.

Chính những điều đó là động lực, để ông Thế tiếp thêm niềm tin trên con đường khẳng định chất lượng của mật ong nuôi.

Xây dựng thương hiệu

Từng kinh doanh mật ong từ nguồn mật ong hoa cà phê, do người bà con nuôi tại Lâm Đồng, nhưng khi bắt tay vào bán hàng, ông Thế gặp nhiều khó khăn. Một phần do nhiều người chưa đặt niềm tin vào sản phẩm mật ong nuôi. “Tôi đã tặng cho khách hàng dùng thử sản phẩm và cùng hai con gái pha mật ong nước ấm và chanh cho những người tập thể dục buổi sáng tại các công viên, quảng trường cho khách hàng dùng thử... Từ cách marketing này, đã thu hút nhiều người biết đến hơn”, ông Thế kể.

Ông Thế cho biết thêm: “Khách hàng mua mật ong rất lo mật ong giả và mật ong do người nuôi ong cho ăn đường để lấy mật. Để tạo niềm tin cho khách hàng, tôi sẽ kiểm tra chất lượng mật ong theo phương pháp khoa học nhất mà hiện nay các nước trên thế giới hay dùng, đó là dùng máy khối phổ so sánh tỉ lệ đồng vị (Isotope Ratio Mass Spectrometer - IRMS)”.

Hiện tại ông Thế đang xúc tiến đầu tư dây chuyền chế biến mật ong nuôi từ những tán rừng keo Quảng Ngãi và là doanh nghiệp đầu tiên tạo thương hiệu mật ong Quảng Ngãi. Dự kiến đến tháng 3.2018, ông Thế xúc tiến các hoạt động giới thiệu và bán hàng.

Không chỉ tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Quảng Ngãi, mật ong dưới các tán keo còn góp phần giải quyết đầu ra cho người nuôi ong, tạo động lực phát triển nghề nuôi ong lấy mật, giải quyết công ăn việc làm cho lao động ở miền núi. Ngoài ra, sản phẩm mật ong còn giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm bổ dưỡng, giá cả phải chăng, hạn chế dùng mật ong mua bán trôi nổi trên thị trường, chưa qua kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.


BẢO HÒA
 


.