Công khai về xuất khẩu dưa hấu

08:12, 02/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngay trước thềm vụ sản xuất dưa hấu 2018, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công khai quy định của Trung Quốc đối với dưa hấu. Quảng Ngãi được chọn để tổ chức hội nghị này vào đầu tháng 12 này. Liệu đây có phải là cơ hội để dưa hấu Quảng Ngãi “lên ngôi”?

TIN LIÊN QUAN

Nhận diện thị trường

Theo thông tin từ Sở Công thương, tại Trung Quốc, dưa hấu là một trong những hoa quả ưa thích của người dân. Một phần nhỏ dưa dùng làm mứt, hoặc ép lấy nước uống. Vì thế, nhu cầu về dưa hấu ở đất nước này là rất lớn.

 Thu mua dưa hấu cho nông dân xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh).
Thu mua dưa hấu cho nông dân xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh).


Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là quốc gia có sản lượng dưa hấu lớn nhất thế giới. Diện tích trồng dưa hấu của Trung Quốc đạt 1,84 triệu hecta và giai đoạn 2015 - 2020, mỗi năm sẽ tăng khoảng 1% diện tích trồng dưa.

Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2016, Trung Quốc nhập khẩu từ nước ngoài khoảng 200 nghìn tấn dưa hấu, chủ yếu là nhập của Việt Nam.

Trong khi đó, theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2016,  xuất khẩu dưa hấu vào thị trường Trung Quốc hơn 238 nghìn tấn. Có nghĩa là vượt quá nhu cầu thị trường lên đến 38 nghìn tấn.
 

"Công khai một cách đầy đủ thông tin về tình hình tiêu thụ dưa dấu của Trung Quốc là cách giúp nông dân nhận diện thị trường, từ đó quyết định việc sản xuất của mình. Về giải pháp giúp người trồng dưa hấu tìm đầu ra sẽ thực hiện theo hai hướng, vừa tập trung kêu gọi tiêu dùng trong nước, vừa tìm cầu nối xuất khẩu bền vững, nhất là xuất sang thị trường Trung Quốc. Chỉ khi “cung không vượt quá cầu”, người trồng dưa mới mong có lợi nhuận".
Giám đốc Sở Công thương TRẦN PHƯỚC HIỀN

Trước tình hình “cung vượt cầu” làm cho giá dưa liên tục giảm. Thậm chí, Trung Quốc không nhập khẩu thêm vì sản xuất trong nước đã đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Đó là chưa kể, Trung Quốc nhập một lượng lớn dưa hấu từ Myanmar, Thái Lan và Lào.

Lời giải cho bài toán dưa hấu

Hội nghị công khai quy định của Trung Quốc đối với nhập khẩu dưa hấu lần này sẽ có sự tham gia của các ngành hữu quan tỉnh Quảng Tây, địa phương có diện tích trồng dưa hấu lớn của Trung Quốc sẽ cung cấp thông tin liên quan đến dưa hấu xuất khẩu của Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng như khả năng tự đáp ứng nhu cầu dưa hấu của Trung Quốc; những hạn chế của dưa hấu Quảng Ngãi khi tham gia xuất khẩu vào thị trường này...

Sản lượng dưa hấu của Trung Quốc không ngừng tăng lên thì nhập khẩu sẽ giảm tương ứng. Trong khi đó, do dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc có năm mang lại lợi nhuận cao so với cây trồng khác, nên nông dân ồ ạt trồng với diện tích năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong khi các nhà quản lý, chính quyền địa phương lại thả nổi cho nông dân tự phát triển diện tích trồng dưa; không kịp thời đưa những thông tin này đến nông dân, khuyến cáo họ về những rủi ro khi trồng dưa hấu.

Hơn nữa, về mùa vụ, mùa dưa hấu tại Trung Quốc cũng kéo dài từ cuối tháng 4 đến tháng 8, 9 hằng năm, lệch không nhiều so với mùa vụ thu hoạch dưa hấu của Việt Nam. Vì vậy, khi dưa hấu Trung Quốc thu hoạch thì ở Việt Nam cũng vào mùa thu hoạch, nên hạn chế nhập khẩu dưa từ Quảng Ngãi.

Về thói quen tiêu dùng, người Trung Quốc có xu hướng lựa chọn trái dưa nhỏ vừa phải với trọng lượng từ khoảng 3 - 4kg/quả. Trong khi dưa hấu Quảng Ngãi thường có trọng lượng gấp từ 1,5 – 2,5 lần. Vì thế dưa hấu Quảng Ngãi không đáp ứng thói quen tiêu dùng của người dân Trung Quốc.

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.