Cây mía khẳng định vị trí

02:12, 26/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với người dân xã Sơn Kỳ, Sơn Thủy (Sơn Hà) hai năm gần đây, cây mía bắt đầu có vị trí trong phát triển sản xuất. Nhờ năng suất mía tăng cùng với đầu ra ổn định, nên người dân và chính quyền các địa phương này rất phấn khởi. Và từ đó, diện tích trồng mía cũng tăng dần theo từng năm.

TIN LIÊN QUAN


Cũng hơn 4 sào đất, nhưng những năm trước, vợ chồng ông Đinh Vờ Re ở thôn Tà Gầm, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) chỉ thu về vài trăm nghìn đồng từ bán mì tươi. Nhưng kể từ khi chuyển sang trồng mía, gia đình ông có thu nhập ổn định hơn trước.

 

 

Hai năm trở lại đây, cây mía đã bắt đầu có
Hai năm trở lại đây, cây mía đã bắt đầu có "chỗ đứng" với người dân huyện Sơn Hà.

Lý giải điều này, ông Re cho biết: “Hai năm nay cây mía được giá, nên bà con tập trung trồng và chăm bón. Không chỉ vậy, nhà máy đường còn bao tiêu sản phẩm, người dân thu hoạch xong là họ cho xe đến cân rồi chở luôn, không để chúng tôi gặp khó, nên ai cũng mừng!”.

Bà Đinh Thị Thêm ở thôn Tà Cơm, xã Sơn Thủy cũng phấn khởi khi gần 3 sào mía đang đến thời kỳ thu hoạch. Năm trước gia đình bà thu ít nhất 5 tấn mía/sào. Nhà máy đường mua 960.000 đồng/tấn, nên gia đình bà Thêm có thu nhập ổn định.

Bà Thêm, chia sẻ: “Ba sào mía này, tới vụ thu hoạch bán được ít nhất cũng gần 10 triệu đồng. Trừ hết các chi phí, mình cũng có lãi hơn trồng mì. Bây giờ cây mía có giá, nhà máy đường lại thu mua đúng thời hạn, nên bà con chúng tôi rất phấn khởi”.

Theo chính quyền và người dân xã Sơn Thủy, Sơn Kỳ, hai năm trở lại đây, Nhà máy đường Phổ Phong đã bao tiêu sản phẩm và thu mua từ 950 – 960 nghìn đồng/tấn mía. Nhờ đó mà diện tích trồng mía của các địa phương này có chiều hướng tăng trở lại. Bên cạnh đó, việc đầu tư thâm canh cũng được bà con chú trọng, nên sản lượng mía cũng khá cao.

Ông Đinh Văn Tàu, trưởng thôn Tà Gầm, cho biết: “Năm 2015, toàn thôn chỉ có 13ha mía. Nhưng khi giá mía ổn định, người dân đã mở rộng thêm 7ha trong năm 2016. Và hiện tại, tổng diện tích mía của thôn đã lên đến 23ha. Cây mía cho thu nhập khá, nên bà con đã đầu tư chăm sóc, không để cây mía kém phát triển như trước".

Hiện nay, tổng diện tích mía của huyện Sơn Hà lên đến 1.200ha. Trong đó xã Sơn Thủy, Sơn Kỳ chiếm hơn 250ha. Bình quân, năng suất mía đạt từ 80 - 90 tấn/ha và giá cả được các nhà máy thu mua ổn định, đảm bảo mức thu nhập cho người trồng mía.

Trong trồng mía, người dân các xã này cũng đã biết cơ giới hóa thay cho các cách làm thủ công. Lãnh đạo huyện, xã còn chú trọng việc liên kết thành lập nhóm hộ hợp tác, đưa cây mía lên đất đồi, ruộng hạn để tăng diện tích, tăng năng suất.

Ông Đinh Văn Trả, thôn Tà Cơm, xã Sơn Thủy cho hay: “Hồi trước thì dùng trâu, bò để cày, nhưng mấy năm nay đã có máy cày, máy băm đất. Trước khi xuống giống, người dân còn được cấp giống, phân và được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, nên cây mía nhanh lớn, cho năng suất cao”.

Trao đổi vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Sơn Kỳ Đinh Tấn Bắc, cho hay: “Hiện nay cây mía đã và đang trở thành cây nông nghiệp chủ lực của địa phương. Xã sẽ định hướng cũng như hướng dẫn cho bà con trong quá trình sản xuất, trồng trọt. Điều đáng mừng là từ năm 2013 đến nay, Nhà máy Đường Phổ Phong bao tiêu sản phẩm, nên giá mía ổn định. Thời gian tới, địa phương sẽ lên kế hoạch, nhằm mở rộng diện tích trồng mía để phát triển cây trồng chủ lực này”.

Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU
 


.