Cẩn trọng khi diệt cỏ "siêu tốc"

09:12, 25/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nông dân trong tỉnh đang vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị bước vào vụ sản xuất đông xuân 2017  -  2018. Để giảm công làm đất, nhiều nông dân đã sử dụng các loại thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất paraquat. Đây là loại hoạt chất nguy hiểm, được ví  có “họ hàng” với dioxin - loại chất gây ung thư, quái thai. Cách diệt cỏ “siêu tốc” này gây nguy hiểm cho người sử dụng và tác động xấu đến môi trường.

TIN LIÊN QUAN


Dùng vô tư

Dọc bãi bồi ven sông Trà, ở các xã Tịnh Long, Tịnh An... những cánh đồng cỏ bị cháy xém, vì nông dân phun thuốc trừ cỏ có hoạt chất paraquat. Tại những khu vực này, vỏ của các loại thuốc trừ cỏ nằm vương vãi khắp các thửa hoa màu chuẩn bị vào vụ sản xuất.

 

Cỏ cháy úa sau khi nông dân phun thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất paraquat.
Cỏ cháy úa sau khi nông dân phun thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất paraquat.

Đứng trên hai sào đất mà cỏ đã cháy úa, ông Trần Văn Ba, ngụ thôn Long Bàn, xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi), cho hay: Hầu như ở bãi bồi ven sông Trà, người dân đều sử dụng các loại thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất paraquat để diệt cỏ. Nếu làm cỏ theo cách thủ công sẽ mất rất nhiều thời gian và tốn chi phí. Trong khi đó, sử dụng vài chai thuốc trừ cỏ bơm một lần là cỏ chết sạch.

"Vụ đông xuân này, tôi sử dụng thuốc GFAXONE có chứa hoạt chất paraquat để diệt cỏ cho hơn năm sào đất của gia đình. Sau khi phun, khoảng một tuần sau là tiến hành làm đất để sản xuất hoa màu. Năm sào đất nếu diệt cỏ bằng phương pháp thủ công, sẽ “ngốn” khoảng một triệu đồng. Trong khi diệt cỏ bằng thuốc có chứa paraquat thì chỉ tốn hơn trăm ngàn", ông Ba cho hay.

Vì "rẻ, nhanh và hiệu quả tức thì", nên đa số nông dân không ngần ngại dùng các loại thuốc có độc tố cao để diệt cỏ. Mặc dù đây là loại thuốc chứa hoạt chất mà ngành chức năng khuyến cáo chỉ nên sử dụng để khai hoang. Việc đa số nông dân lạm dụng thuốc trừ cỏ có độc tố cao về lâu dài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho bản thân và cộng đồng.

Chi cục phó phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật  (BVTV) Phạm Bá cho biết, trên địa bàn tỉnh có khoảng 600 cơ sở có giấy chứng nhận kinh doanh thuốc BVTV. Quản lý các cơ sở kinh doanh là việc phải làm. Còn việc nông dân mua về và sử dụng liều lượng ra sao thì không ai quản lý được. Thuốc trừ cỏ là con dao hai lưỡi. Vì vậy, việc sử dụng phải tuân thủ nguyên tắc "bốn đúng". Đó là đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp.

Đã có lệnh cấm sử dụng

Paraquat là hoạt chất cực độc, đã có 32 nước trên thế giới cấm lưu hành loại thuốc này. Tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT cũng đã có quyết định loại chất nguy hiểm này ra khỏi danh mục thuốc BVTV, nhưng gia hạn đến 2 năm, tức sau tháng 2.2019 mới chấm dứt việc lưu hành.

Chất paraquat hiện có trên 46 tên thương phẩm thuốc BVTV được cấp phép tại Việt Nam. Ngoài thị trường, dễ tìm thấy các loại thuốc diệt cỏ có chứa paraquat dưới nhãn hiệu Glamoxone, Cyclone, Surefire... để diệt trừ các cây cỏ lá rộng.

Ông Phạm Bá cho hay, độc tố cao nhưng nông dân lại quá lạm dụng các loại thuốc BVTV có chứa hoạt chất paraquat. Trong đó, nông dân ở TP.Quảng Ngãi là khu vực có số người sử dụng trong nông nghiệp nhiều nhất. Việc cấm lưu hành thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất paraquat là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng yêu cầu sản xuất, hướng đến một ngành sản xuất nông nghiệp bền vững, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.


 Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 


.