Quy hoạch, phát triển chợ: Xét hiệu quả, không chạy theo số lượng

08:11, 26/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều năm qua, vấn đề quy hoạch và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh chưa thật sự được coi trọng. Đã đến lúc, công tác này phải có sự đổi mới cả về  đầu tư cũng như phương pháp quản lý, giải pháp phát triển, để chợ thực sự trở thành nơi giao lưu kinh tế, văn hóa, tạo việc làm, thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Phát triển chợ qua... con số

Hiện tại, Quảng Ngãi có 3 chợ cấp 1 là Châu Ổ (Bình Sơn),Quảng Ngãi (TP.Quảng Ngãi) và chợ mới Đức Phổ. Các huyện hầu hết đều có chợ, song hiện tại nhiều chợ huyện đã không còn là chợ đúng nghĩa, điển hình là chợ Tây Trà, Sơn Tây.

Chợ mới Đức Phổ do Công ty CP Đầu tư Hà Mỹ Á đầu tư xây dựng và kinh doanh.
Chợ mới Đức Phổ do Công ty CP Đầu tư Hà Mỹ Á đầu tư xây dựng và kinh doanh.


Đối với chợ cấp xã, gần như mỗi xã đồng bằng đều có chợ, thậm chí có xã đến 3 chợ như Bình Hải (Bình Sơn). Các xã miền núi, do dân cư thưa thớt, nhu cầu giao thương ít, nên tỉnh chủ trương phát triển các chợ trung tâm cụm xã là chủ yếu. Thế nhưng, nhiều chợ cụm xã do không nhóm họp được, đành để xuống cấp, hư hỏng; như chợ trung tâm cụm xã Sơn Kỳ (Sơn Hà)...

Về quản lý chợ, hiện tại Quảng Ngãi có 15 chợ do doanh nghiệp (DN), HTX đầu tư, kinh doanh, khai thác và quản lý; góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách địa phương, nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển chợ nói riêng và phát triển hạ tầng thương mại nói chung. Tuy nhiên, hầu hết các chợ do DN đầu tư đều rơi vào tình trạng... hiệu quả không cao. Nhiều DN thua lỗ trong kinh doanh chợ.

Trong giai đoạn 2011 – 2016, tổng vốn đầu tư xây dựng chợ khoảng 455 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách địa phương 321 tỷ đồng. Nguồn này chủ yếu do các huyện, xã vận dụng từ các chương trình mục tiêu như nông thôn mới, 135, bãi ngang ven biển để đầu tư xây dựng chợ; vốn do dân, DN, hộ kinh doanh đóng góp 124 tỷ đồng; nguồn vốn khác 9 tỷ đồng.

Vấn đề lớn nhất hiện nay trong phát triển chợ tại Quảng Ngãi là quy hoạch chưa bài bản, đầu tư chưa tương xứng, mô hình quản lý chưa phù hợp, dẫn đến nhiều tiểu thương nản lòng do kinh doanh không hiệu quả, người dân cũng ít vào chợ để mua sắm vì chưa thuận lợi.

Chuyển đổi hoạt động - Yêu cầu cấp thiết

Năm 2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND thực hiện chủ trương kêu gọi đầu tư chợ, toàn tỉnh mới thu hút được 3 nhà đầu tư với 3 dự án chợ. Nhưng hiện tại, các dự án này đều dở dang và kế hoạch đến 2018 mới hoàn thành. Cụ thể như chợ Sa Huỳnh kết hợp khu nhà ở thương mại dịch vụ xã Phổ Thạnh, do Công ty CP Anh Việt Mỹ làm chủ đầu tư; Khu đô thị chợ mới Hàng Rượu, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi), do Công ty CP đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư; chợ Thạch Trụ, xã Đức Lân (Mộ Đức) do DN tư nhân Lê Tây làm chủ đầu tư.

Hiện nay còn có 3 chợ, DN đã đăng ký đầu tư, nhưng chưa được phê duyệt thực hiện, gồm: Trung tâm Thương mại kết hợp chợ truyền thống Thu Lộ tại phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi); chợ Châu Sa; chợ Lý Sơn và Khu phố chợ.

 Giám đốc Sở Công thương Trần Phước Hiền cho biết: “Vấn đề phát triển chợ sẽ đổi mới. Đặc biệt là chợ nông thôn phải đánh giá sự cần thiết, thiết thực trước khi đầu tư xây dựng. Tuyệt đối không chạy theo số lượng mà phải xét tính hiệu quả”.

Theo ông Hiền, cần tập trung giải quyết ba vấn đề lớn là việc xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đối với tiêu chí số 7, sẽ xem xét các cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn khác như siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp đạt chuẩn. Với chợ đã được đầu tư, nhưng chưa phát huy hiệu quả, phải vận động các hộ tiểu thương vào họp, có biện pháp xử lý việc tự ý họp chợ.

Đối với trường hợp đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng chợ phải thực hiện theo đúng quy hoạch đã phê duyệt. Trước khi đầu tư phải tổ chức đánh giá dung lượng thị trường, phạm vi bán kính phục vụ của chợ, lấy ý kiến của nhân dân, các hộ tiểu thương và các cơ quan có liên quan, nhằm tạo sự đồng thuận cao trước khi xây dựng chợ.

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.