Nâng cao vai trò của hợp tác xã

04:11, 20/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, nhiều hợp tác xã nông nghiệp (HTX) khó tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng, vì không có tài sản thế chấp. Khi nội lực yếu, lại thiếu cơ chế hỗ trợ, nên nhiều năm qua kinh tế HTX vẫn chưa tạo nên những đột phá.

TIN LIÊN QUAN


Kết quả bước đầu

Sau khi các HTX tổ chức lại theo Luật HTX 2012, hoạt động tương đối ổn định hơn, triển khai cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tốt hơn. Trong đó, các HTX nông nghiệp có số lượng thành viên đông nhất; hoạt động chủ yếu là các loại dịch vụ phục vụ, hỗ trợ thành viên như thủy lợi, vật tư nông nghiệp, giống cây trồng – vật nuôi, làm đất, thu hoạch, tín dụng nội bộ, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên.

HTX Nuôi trồng và Kinh doanh nấm Bình Thạnh đã thực hiện dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho thành viên.
HTX Nuôi trồng và Kinh doanh nấm Bình Thạnh đã thực hiện dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho thành viên.


Các HTX giao thông vận tải tích cực đầu tư mua sắm phương tiện đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân. Phần lớn đều kinh doanh có lãi, đạt tổng doanh thu hơn 65 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của thành viên hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Các HTX thương mại dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn duy trì tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, hỗ trợ thành viên, giải quyết được việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế hộ, thu nhập bình quân đạt từ 4 – 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Các quỹ tín dụng nhân dân chú trọng nâng cao năng lực quản trị, điều hành, xây dựng và thực hiện tương đối tốt các quy định của Nhà nước. Qua đó, tăng vốn góp của thành viên, đầu tư trang thiết bị, mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động. Bình quân doanh thu đạt 1,4 tỷ đồng/quỹ; lợi nhuận 150 triệu đồng/quỹ; thu nhập của cán bộ quản lý quỹ bình quân 50 triệu đồng/năm. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho hộ thành viên, cũng như góp phần xây dựng các HTX ngày càng phát triển vững mạnh.
                                                      
Nhiều nhưng chưa mạnh

Phần lớn các HTX sau khi tổ chức theo luật hoạt động tương đối ổn định, triển khai cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tốt hơn, số lượng thành viên cũng tăng so với trước. Nhiều địa phương đã chỉ đạo quyết liệt trong tổ chức hoạt động HTX. Do đó, nhiều HTX quy mô nhỏ đã hợp nhất, sáp nhập thành những HTX quy mô cấp xã.

Tuy nhiên, do còn mang nặng tư duy của HTXNN thời bao cấp; trình độ năng lực quản lý của cán bộ hạn chế; chưa xây dựng được chiến lược sản xuất kinh doanh đa ngành nghề để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thành viên và của thị trường... nên các HTX chưa có những đổi mới mang tính đột phá. Điều đó thể hiện qua việc hoạt động chủ yếu của HTXNN là dịch vụ phục vụ, hỗ trợ thành viên như thuỷ lợi, vật tư nông nghiệp, giống cây trồng vật nuôi, làm đất, thu hoạch, tín dụng nội bộ. Một số HTX thực hiện dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho thành viên như nấm các loại, lúa giống và dịch vụ sản xuất gạch không nung, quản lý chợ...
Đối với các HTX đánh bắt hải sản xa bờ, phần lớn hoạt động chưa hiệu quả và còn khó khăn về mặt bằng xây dựng trụ sở làm việc, thuê đất, tiếp cận vốn và các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước. Riêng làm muối có 2 HTX hoạt động cầm chừng, công nghệ lạc hậu, giá muối thấp đã ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của diêm dân.

Cần chính sách đặc thù

Một thực tế hiện nay là các HTX khó tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng, vì không có tài sản thế chấp, nhất là các HTX dịch vụ nông nghiệp.

Với trên 2.000 thành viên, kinh doanh đa lĩnh vực, HTX Dịch vụ nông nghiệp Phổ Văn (Đức Phổ) được đánh giá là một trong những đơn vị làm ăn hiệu quả. Tuy nhiên, nguồn vốn đóng góp của các thành viên còn hạn hẹp, nên việc mở rộng quy mô hoạt động của HTX còn hạn chế.

Xuất phát từ nguyên nhân trên, trong những năm qua, HTX đã nhiều lần làm hồ sơ vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển, nhưng vẫn khó thực hiện. Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phổ Văn Lê Văn Liễn, cho biết: “Muốn vay được vốn ngân hàng, những đề án của HTX lập ra phải có tính khả thi cao và phải có sổ đỏ thế chấp. Nhưng thực tế, đại đa số HTX trong đó có HTX của chúng tôi, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên chưa thể vay vốn. Một khi không có vốn, HTX muốn đầu tư phát triển các mô hình, dịch vụ mới cũng khó”.

Không chỉ có HTX Dịch vụ nông nghiệp Phổ Văn đang thiếu vốn, mà hầu hết các HTX trên địa bàn tỉnh đều cần vốn. Thế nhưng, việc cho vay đối với HTX đang lâm vào cảnh bế tắc. Khúc mắc lớn nhất trong vay vốn của HTX gặp phải hiện nay là, không có tài sản thế chấp. Trên thực tế chỉ có một số ít HTX có đất làm trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Số lượng các HTX có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại càng ít hơn, nên chưa đáp ứng được các yêu cầu mà ngân hàng đề ra.

Phát huy sức mạnh và tầm quan trọng của HTX không chỉ là giấc mơ của xã viên, mà còn là mục đích cao nhất mà Luật HTX hướng đến. Do đó, trên cơ sở củng cố, đổi mới các HTX hiện có, cần phải khảo sát, đánh giá lại thực trạng của các HTX, mạnh dạn loại bỏ các HTX yếu kém, thay bằng những mô hình HTX liên doanh, liên kết... Có như vậy, HTX mới trở thành “bà đỡ” của kinh tế nông thôn.
 

Bài, ảnh: AN NHIÊN- N.KHÂM
 


.