Giàu lên từ "đầu cơ nghiệp"

01:11, 03/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ nuôi trâu theo mùa, theo vụ mà các nông dân: Huỳnh Trị, thôn Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong và Trần Truyền, thôn An Ninh, xã Phổ Ninh (Đức Phổ) đang trở nên giàu có.

Nuôi theo vụ     

Tận dụng những mùa “đồng không mông quạnh”, ông Huỳnh Trị thả đàn trâu hơn 120 con của mình ra đồng để vỗ béo. Ông Trị bảo: “Đây là lúc cỏ mọc nhiều nên rất phong phú thức ăn cho trâu, bò. Sau khi lúa được thu hoạch xong, tôi vội đi “gom” trâu từ Kon Tum, Gia Lai và các xã miền núi của tỉnh về nuôi. Đây là lúc vỗ béo trâu nhanh nhất. Sau mỗi vụ con nào cũng mập mạp, nên xuất  bán rất được giá, thương lái hài lòng lắm!”. Năm nào cũng vậy, chỉ nuôi mỗi lứa đúng 3 - 4 tháng, nhưng ông Trị đã trở thành “tỷ phú” của làng. “Cái quan trọng chính là nuôi theo vụ. Nhiều người nuôi năm này qua năm khác, nhưng không có trâu bán, hoặc chỉ bán một hai con là cùng. Còn tôi, sau mỗi vụ, có thể bán gần cả trăm con”, ông Trị chia sẻ.

Ông Huỳnh Trị, thôn Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong (Đức Phổ) đang chăn đàn trâu của mình.
Ông Huỳnh Trị, thôn Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong (Đức Phổ) đang chăn đàn trâu của mình.


Giống như ông Trị, lão nông Trần Truyền cũng nuôi trâu theo mùa vụ hơn 4 năm nay, năm nào đàn trâu của ông cũng lên đến hơn 50 con. Nhờ cách nuôi “lạ” nên giờ đây, ông Truyền có kinh tế gia đình phát triển ổn định. “Đàn trâu khá lớn, nên mình phải thuê người chăn dắt. Sau mỗi đợt nuôi và gần đến ngày người dân sạ lúa, mình phải đi be bờ ruộng và đắp những chỗ trâu làm hư hỏng để bà con yên tâm sản xuất. Nhờ vậy nên người dân ở đây đều đồng tình và giúp đỡ mình nuôi, chính quyền cũng khuyến khích”, ông Truyền nói.
 

 “Hiện nay, trên địa bàn xã có rất nhiều hộ chăn nuôi, đặc biệt là nuôi trâu theo vụ đã phát triển vững chắc kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, họ còn đóng góp rất lớn về các vấn đề phúc lợi xã hội với địa phương, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, hay xây dựng các công trình công cộng”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phổ Phong VÕ VĂN CHÍN

... bán theo thời

Nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trâu nên ông Trị, ông Truyền rất có kinh nghiệm trong việc chăm sóc, vỗ béo trâu. Bên cạnh đó, nhờ có kinh nghiệm trong việc buôn bán trâu theo thời vụ, nên chưa năm nào đàn trâu xuất bán bị lỗ vốn. “Sau một đến một tháng rưỡi nuôi tôi lựa những con trâu đã béo tốt cho xuất chuồng, số còn lại tiếp tục thả nuôi trên những cánh đồng rồi sàng lọc, xuất bán vào những đợt tiếp theo. Khi đã vào vụ lúa, những con chưa bán được, mình lùa lên núi, hoặc chăn dắt ở những gò đồi để vụ sau tiếp tục chăn ở những cánh đồng này”, ông Trị chia sẻ kinh nghiệm.

Không chỉ giàu lên từ nuôi trâu mà ông Trị còn là một tay buôn trâu có hạng. Theo ông Trị, bây giờ chẳng còn mấy ai dùng trâu đi cày bừa nữa mà  trâu chủ yếu là để làm thịt, vì thế trâu càng béo càng được giá. Mỗi đợt trâu xuất đi bán, đích thân ông, hoặc người nhà phải cùng đi với đoàn sang tận các nước bạn để bán. Hiện nay, cứ mỗi con trâu ông gom về với giá từ 15 – 30 triệu đồng, sau ba tháng chăn thả, mỗi con xuất chuồng người nuôi lãi từ 1 – 2 triệu đồng.

“Tùy theo loại trâu, nên giá mua vào và bán ra cũng khác nhau. Nếu mua về mà đem bán liền thì chỉ kiếm lời chừng vài trăm nghìn, còn nếu để nuôi vỗ béo thì mỗi con phải lãi ít nhất là một triệu. Cứ đến mùa gom trâu, tôi phải bỏ vốn từ 800 triệu đến gần 2 tỷ bạc đấy”, ông Trần Truyền chia sẻ.
 

Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU
 
 


.