Chăn nuôi mùa mưa bão: Chú trọng phòng, chống dịch bệnh

02:11, 01/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những tháng cuối năm, thời tiết giao mùa, diễn biến thất thường ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi. Để chăn nuôi đạt hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường trước, trong và sau Tết, cần chú trọng chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi.

TIN LIÊN QUAN

Chủ động chăm sóc

Có kinh nghiệm chăn nuôi hơn 10 năm, mỗi đợt mưa bão cận kề, anh Huỳnh Tấn Phát ở xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) đều chủ động phòng, chống dịch bệnh cho khoảng 200 con heo.

Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi, anh Phát cho hay: “Ngoài tiêm ngừa định kỳ, chế độ thức ăn cũng cần được theo dõi kỹ. Tôi bổ sung các loại vitamin vào thức ăn hằng ngày cho heo, để tăng sức đề kháng. Chăn nuôi số lượng lớn, nên chuồng trại phải làm nơi cao ráo, vệ sinh thường xuyên. Khi mùa mưa về, dùng bạt che chắn xung quanh để chắn gió...”.

Để chăn nuôi đạt hiệu quả, chuồng nuôi cần cao ráo, thông thoáng.
Để chăn nuôi đạt hiệu quả, chuồng nuôi cần cao ráo, thông thoáng.


Thời điểm này cũng là lúc nhiều hộ chăn nuôi tăng số lượng, để cung ứng cho thị trường tăng cao vào dịp cuối năm. Mùa đông năm nay dự báo sẽ lạnh hơn, nên nhiều hộ chăn nuôi không chủ quan trong việc chăm sóc, giữ ấm cho vật nuôi.

Ngày càng nhiều bạn trẻ không ngại thử sức trong mảng nông nghiệp. Nuôi bồ câu là một trong các mô hình chăn nuôi được nhiều người lựa chọn đầu tư. Chọn bồ câu Pháp và lai Pháp để làm hướng đi của mình, sau một năm nuôi thử nghiệm, anh Huỳnh Võ Tấn Phương, ở xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) đang có 250 cặp bồ câu. Anh Phương cho hay, bồ câu tiêu thụ quanh năm, số lượng xuất đi thường xuyên. Trong năm, thời điểm tiêu thụ bồ câu mạnh nhất ngoài tháng 8 âm lịch, thì cuối năm bán rất chạy, vì đây là mùa cưới. Do đó, anh Phương tăng cường chăm sóc bồ câu, bổ sung thêm nước uống có các loại vitamin, chuồng trại che chắn kỹ, đảm bảo đủ ánh sáng, thông thoáng.

Tăng cường phòng dịch bệnh

Theo số liệu thống kê, tính đến cuối tháng 6.2017, toàn tỉnh có khoảng 114 trang trại, trong đó có 81 trang trại chăn nuôi, 30 trang trại tổng hợp, 3 trang trại lâm nghiệp. Trong những tháng cuối năm, các hoạt động chăn nuôi, mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm tăng cao. Thời tiết chuyển lạnh, diễn biến thất thường làm giảm sức đề kháng của gia súc, gia cầm, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán và gây bệnh. Theo kế hoạch, đầu tháng 11, cơ quan chức năng triển khai thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 2 năm 2017.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đỗ Văn Chung khuyến cáo, đối với các huyện miền núi cần có biện pháp phòng, chống rét như gia cố, che chắn chuồng trại nuôi trâu bò. Không thả rông trâu bò trong những ngày rét. Khi thời tiết lạnh kéo dài, nhốt trâu bò tại chuồng. Sử dụng các nguồn thức ăn có sẵn như rơm rạ, cỏ tươi, cám gạo, bột bắp... cho uống nước ấm có pha thêm muối loãng để giữ ấm cho trâu bò...


Bài, ảnh: BẢO HÒA


 


.