Bảo vệ thủy sản trong mùa mưa bão

04:11, 02/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghề nuôi cá lồng trên sông, đầm, biển phát triển nhanh chóng, mở ra một hướng đi mới hiệu quả trong nuôi thủy sản. Tuy nhiên, đây cũng là nghề phải đối diện với nhiều rủi ro, bởi ảnh hưởng của thời tiết, môi trường, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Do đó, để tránh thiệt hại, người dân đã chủ động các biện pháp bảo vệ thủy sản.

TIN LIÊN QUAN

Những năm qua, tận dụng khu vực bờ chắn sóng phía sau Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, xã Bình Đông (Bình Sơn), 39 hộ dân nơi đây đã thả nuôi cá bớp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc nuôi cá lồng trên biển có nhiều rủi ro, nhất là trong mùa mưa bão, vì sóng lớn.

Thường xuyên kiểm tra cá để kịp thời phát hiện dịch bệnh.
Thường xuyên kiểm tra cá để kịp thời phát hiện dịch bệnh.


Là một trong những hộ nuôi thủy sản quy mô lớn ở xã Bình Đông, ngay từ khi bắt đầu vào mùa mưa bão, gia đình anh Nguyễn Kim Đức đã tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng cá. Anh Đức cho biết: “Hiện gia đình tôi đã xuất bán lứa cá lớn, đồng thời đầu tư thêm thùng phao nổi, gia cố lại cột trụ, thay mới những tấm lưới cũ, rách. Đặc biệt vào mùa mưa, thời tiết thay đổi, nên phải tăng sức đề kháng cho cá, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo môi trường sống tốt cho cá, tránh dịch bệnh”.
 

Tổng diện tích ao hồ thả nuôi thủy sản toàn tỉnh năm 2017 ước đạt 1.824ha, đạt 110% kế hoạch năm; sản lượng ước đạt trên 7.421 tấn, đạt 109% kế hoạch năm. Trong đó, nuôi trồng thủy sản nước lợ với diện tích ao hồ thả nuôi ước đạt 916ha, sản lượng thu hoạch ước đạt trên 5.189 tấn, đạt 99% kế hoạch năm. Nuôi đối tượng khác với diện tích thả nuôi ước đạt 49ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 340 tấn, đạt 69% kế hoạch năm.

Đối với các hộ nuôi tôm, ngoài việc chăm sóc, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho tôm nuôi, thì công tác bảo vệ ao nuôi luôn được đặt lên hàng đầu.

Anh Nguyễn Phan Hữu Phước, xã Bình Thạnh (Bình Sơn), chia sẻ: “Trong nuôi tôm, ngoài việc tuân thủ kỹ thuật, đảm bảo an toàn dịch bệnh thì việc bảo vệ an toàn cho ao nuôi trong mùa mưa lũ rất quan trọng. Do vậy, ngay từ đầu mùa mưa, tôi đã chủ động gia cố, sửa chữa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở làm thất thoát tôm. Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết để có biện pháp thu hoạch kịp thời”.

Đến thời điểm này, bà con nông dân đã triển khai các biện pháp bảo vệ thủy sản, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Theo Phó Chi cục Thủy sản tỉnh Đỗ Thị Thu Đông, để chủ động bảo vệ thủy sản, Chi cục Thủy sản đã có công văn yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND xã có nuôi trồng thủy sản tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các biện pháp bảo vệ trong mùa mưa bão, tránh thiệt hại nặng.

Trong mùa mưa lũ, do những biến đổi bất thường về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa... là nguyên nhân làm cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển và phát tán gây dịch bệnh và hiện tượng “sốc môi trường” đối với tôm, cá. Do đó, người nuôi cần thường xuyên theo dõi mức nước, màu nước trong ao để kịp thời điều chỉnh. Bảo đảm môi trường ao nuôi cho cá, tôm trong sạch bằng các biện pháp hóa dược như sử dụng vôi bột, vôi nước bón định kỳ cho ao nuôi, liều lượng tùy theo đối tượng nuôi...
 

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.