Bảo hiểm tàu cá: Mua dễ, khó nhận bồi thường

04:11, 25/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bảo hiểm tàu cá được xem là “phao cứu sinh” của ngư dân khi xảy ra rủi ro. Thế nhưng, khi ngư dân bị thiệt hại, các đơn vị bảo hiểm lại tìm cách né tránh việc chi trả chi phí bảo hiểm, khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn...

TIN LIÊN QUAN

Theo Nghị định 67 (nay là Nghị định 89), mức hỗ trợ là 90% cho tàu có công suất từ 400CV trở lên, 70% cho tàu từ 90CV đến dưới 400CV.

Mua dễ...

Ngay sau khi Nghị định 67 của Chính phủ hết hiệu lực vào ngày 31.12.2016, các doanh nghiệp bảo hiểm đồng loạt ngừng cung cấp sản phẩm bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 tại 28 tỉnh, thành phố ven biển. Vì vậy, một số ngư dân đã mua bảo hiểm tự nguyện để tàu cá không phải nằm bờ.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kéo dài thời gian thực hiện Nghị định 67 đến hết ngày 31.12.2017. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính cũng có công văn đề nghị các tổng công ty bảo hiểm tiếp tục triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67 cho ngư dân.

 Vợ chồng anh Nguyễn Văn Trung, người hùn vốn mua tàu với ngư dân Bùi Ngọc Lành lặn lội đi
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Trung, người hùn vốn mua tàu với ngư dân Bùi Ngọc Lành lặn lội đi "đòi" tiền bảo hiểm sau hơn 3 tháng tàu bị gặp nạn trên biển.


Ngư dân Nguyễn Văn Đông, xã Bình Châu (Bình Sơn) cho rằng, với chiếc tàu có công suất 420CV thì chi phí các loại bảo hiểm tàu cá, máy móc thiết bị và thuyền viên cũng trên 60 triệu đồng. Do đó, khi được Nhà nước hỗ trợ 90%, ngư dân sẽ có điều kiện mua bảo hiểm trong thời hạn một năm, thay vì ba tháng. Tuy nhiên, ngư dân cũng cho rằng, dù không được Nhà nước hỗ trợ thì họ cũng phải mua bảo hiểm tàu cá. “Ngoài lý do bảo hiểm rủi ro, bảo hiểm tàu cá cũng là thủ tục cần thiết để tàu thuyền được ngành chức năng cấp phép ra khơi. Chính vì vậy, hầu hết ngư dân trong tỉnh đều mua các loại bảo hiểm thân tàu, máy móc thiết bị và tai nạn thuyền viên”, ông Đông cho biết.
 

UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản giám sát bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67. Vì quy trình định giá thân tàu chưa rõ ràng; giá trị thân tàu được xác định chủ yếu phụ thuộc vào sự khai báo của chủ tàu và sự thống nhất giữa doanh nghiệp bảo hiểm và chủ tàu, thiếu sự giám sát của cơ quan chuyên ngành của địa phương nên có lúc không đúng với thực tế. Vì vậy, khi tàu xảy ra tai nạn hoặc sự cố, doanh nghiệp bảo hiểm mới thẩm định giá trị thực tế làm cơ sở chi trả bồi thường dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện. Bên cạnh đó, quy định về hồ sơ, thủ tục chi trả bảo hiểm bồi thường cho ngư dân còn thiếu chặt chẽ, nhiều vướng mắc, sơ hở.

Nhận khó

Mua bảo hiểm tàu cá, ngư dân hy vọng nếu không may xảy ra rủi ro, số tiền bảo hiểm sẽ là “phao cứu sinh” để họ có điều kiện tái sản xuất. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố, một số doanh nghiệp bảo hiểm lại gây khó, tránh né việc chi trả bồi thường, khiến ngư dân bức xúc.

Đơn cử như trường hợp ngư dân Bùi Ngọc Lành, xã Bình Châu. Đầu tháng 8.2017, tàu cá QNg 90289 TS của ông Lành bị tàu nước ngoài mang số hiệu 46106 đâm, khi đang hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa. Tuy chủ tàu và sáu thuyền viên được cứu vớt, nhưng chiếc tàu trị giá 2,5 tỷ đồng đã bị chìm. Vì vậy, sau 3 ngày ra khơi, ông Lành trở về trắng tay.

Tuy nhiên, vì tham gia các loại bảo hiểm thân tàu, máy móc thiết bị và tai nạn thuyền viên tại Công ty Bảo Minh, ông Lành hy vọng với số tiền bảo hiểm, ông sẽ có điều kiện tái sản xuất. Nhưng dù đã cung cấp đầy đủ hồ sơ, Công ty Bảo Minh vẫn từ chối bồi thường thiệt hại cho ông Lành với số tiền 1,5 tỷ đồng.

Lý do Công ty Bảo Minh đưa ra là: “Tàu QNg 90289 TS bị tàu mang số hiệu 46106 đâm hai lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 10 phút làm cho tàu QNg 90289 TS bị bể lái hoàn toàn, kết cấu khung sườn bị phá vỡ, nước tràn vào gây chìm. Sự cố tổn thất này xảy ra do hành động cố ý đâm chìm, phá hoại của tàu mang số hiệu 46106. Vì vậy, Bảo Minh không chịu trách nhiệm bồi thường cho sự cố này!”. Anh Nguyễn Văn Trung, người hùn vốn mua tàu với ngư dân Bùi Ngọc Lành, bức xúc: “Khi chúng tôi mua bảo hiểm, nhân viên bảo hiểm Bảo Minh cam kết doanh nghiệp sẽ bồi thường 100% chi phí nếu tàu bị thiệt hại, tai nạn ngoài ý muốn. Vậy, tàu tôi bị tàu nước ngoài đâm chìm, được lực lượng chức năng xác nhận, không phải là rủi ro ngoài ý muốn hay sao?”.

Không chỉ trường hợp tàu cá ngư dân Bùi Ngọc Lành, mà thời gian qua, một số ngư dân trên địa bàn tỉnh cũng phàn nàn tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm cố tình làm khó trong quá trình thẩm định thủ tục, tỷ lệ thiệt hại để né tránh việc chi trả phí bảo hiểm khi họ gặp rủi ro. Điều này không chỉ khiến ngư dân gặp khó khăn khi tái sản xuất, mà còn khiến họ mất niềm tin. Vì vậy, ngư dân rất mong các ngành chức năng quan tâm kiểm tra, xử lý, tránh tình trạng “mua dễ, khó nhận” như hiện nay.


Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.