Giải pháp nâng cao chỉ số thiết chế pháp lý

09:10, 26/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ số thiết chế pháp lý là một trong 10 chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là chỉ số đo lường chỉ số lòng tin của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đối với hệ thống tòa án, tư pháp của tỉnh. Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, rất cần sự chung tay của các cơ quan liên quan, nhằm nâng cao chỉ số này...

TIN LIÊN QUAN

Giảm điểm 3 năm liên tiếp

 Năm 2017, Quảng Ngãi xác định chủ đề “Đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và khởi nghiệp”. Mục đích của chủ đề này là nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các TTHC đối với các dự án đầu tư, hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh tại tỉnh. Từ đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh và tạo điều kiện khuyến khích, đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chỉ số thiết chế pháp lý là một trong 10 chỉ số thành phần PCI. Đây là chỉ số đo lường chỉ số lòng tin của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đối với hệ thống tòa án, tư pháp của tỉnh, gồm 12 chỉ số con thành phần về: Chỉ số doanh nghiệp tin tưởng vào khả năng bảo vệ pháp luật về vấn đề bản quyền, hoặc thực thi hợp đồng; trợ giúp pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp đúng luật để khởi kiện khi có tranh chấp; chỉ số thành phần liên quan đến hoạt động xét xử các vụ việc tranh chấp của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các vụ kiện kinh tế của doanh nghiệp...

Nâng cao chỉ số thiết chế pháp lý sẽ giúp doanh nghiệp có niềm tin khi đầu tư vào tỉnh. Trong ảnh: Công nhân Công ty Điện tử Foster Quảng Ngãi kiểm tra sản phẩm.
Nâng cao chỉ số thiết chế pháp lý sẽ giúp doanh nghiệp có niềm tin khi đầu tư vào tỉnh. Trong ảnh: Công nhân Công ty Điện tử Foster Quảng Ngãi kiểm tra sản phẩm.


Theo kết quả công bố PCI năm 2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), PCI của Quảng Ngãi xếp hạng thứ 26/63 tỉnh, thành. Mặc dù vẫn nằm trong nhóm các tỉnh có thứ hạng khá, nhưng vị trí xếp hạng PCI của tỉnh đã tụt giảm 11 bậc so với năm 2015. Một số chỉ số thành phần của tỉnh vẫn được cải thiện và đạt được kết quả tích cực, như: Rút ngắn thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp (từ 3 ngày xuống còn 2,5 ngày làm việc); thời gian thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư (từ 35 ngày xuống còn 24 ngày); triển khai mô hình một cửa, một cửa liên thông ở hầu hết các sở, ngành, địa phương; rút ngắn thời gian giải quyết TTHC đối với một số ngành, lĩnh vực liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Quảng Ngãi vẫn còn một số chỉ số bị VCCI đánh giá thấp và tụt giảm liên tục; trong đó, chỉ số thiết chế pháp lý giảm điểm và giảm bậc liên tục từ năm 2014 - 2016. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chỉ số thiết chế pháp lý giảm điểm liên tục là, do doanh nghiệp chưa tin tưởng vào khả năng bảo vệ của pháp luật về vấn đề bản quyền và thực thi hợp đồng; mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp khi sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp còn thấp; các quy định về cơ chế chính sách của tỉnh chưa được tuyên truyền sâu rộng, hình thức chưa phong phú, nên còn nhiều doanh nghiệp chưa được tiếp cận.

Giải pháp nâng cao chỉ số thiết chế pháp lý

 Nhằm cải thiện và nâng cao chỉ số PCI, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực và nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển tỉnh. Việc nâng cao chỉ số thiết chế pháp lý, được xem là giải pháp hữu hiệu để nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.

 Ngoài ra, UBND tỉnh sẽ đẩy mạnh hoạt động kiểm soát TTHC; đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện công khai quy trình giải quyết TTHC, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp nhận đất đai đầu tư có sử dụng đất. Đồng thời chỉ đạo thụ lý giải quyết các vụ án mà doanh nghiệp khởi kiện đúng thời hạn tố tụng, đảm bảo công bằng, khách quan đối với hai bên đương sự; hoàn thiện bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng xét xử, tạo điều kiện khi doanh nghiệp khởi kiện tại tòa án.

Hơn nữa, các cơ quan tư pháp phải tăng cường mối quan hệ trong việc xử lý những vụ án có tính chất phức tạp. Đặc biệt là, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành án, nhất là việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về kinh tế, thương mại; công khai trình tự, thủ tục thi hành án dân sự; công khai số điện thoại, lịch tiếp công dân...

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp. Chủ động kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm do HĐND và UBND tỉnh ban hành, nhất là các văn bản liên quan đến lĩnh vực thuế, phí, lệ phí, tài chính, lao động, đầu tư, doanh nghiệp để tham mưu xử lý cho phù hợp.

Bên cạnh đó, tiếp nhận các kiến nghị và thực hiện giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp; củng cố và phát huy vai trò của các luật sư trong việc thực hiện hỗ trợ, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ pháp lý; nâng cao vai trò hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, để thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

Bài, ảnh: NG.TRIỀU
 


.