Để kinh tế miền Trung phát triển bền vững

03:10, 05/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tại Diễn đàn kinh tế miền Trung (lần 2) với chủ đề “Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững” vừa được tổ chức tại TP.Đà Nẵng, nhiều chuyên gia cho rằng, các địa phương cần phải liên kết, phát huy lợi thế, tiềm năng của các tỉnh duyên hải miền Trung để thúc đẩy kinh tế khu vực này phát triển bền vững.

TIN LIÊN QUAN

Miền Trung có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế nước ta. Trong đó, vùng duyên hải miền Trung gồm 9 tỉnh, thành phố là Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Đây cũng là “mặt tiền biển” của đất nước, với chiều dài bờ biển gần 1.500km, chiếm gần 50% chiều dài bờ biển cả nước.

Cảng nước sâu Dung Quất có nhiều lợi thế  để phát triển công nghiệp – cảng biển.                                                                                                          ẢNH: H.T
Cảng nước sâu Dung Quất có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp – cảng biển. ẢNH: H.T


Những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức và thường xuyên gánh chịu thiên tai hạn hán, lũ lụt nhưng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong vùng, tình hình kinh tế - xã hội trong khu vực đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng bình quân của vùng duyên hải miền Trung giai đoạn 2011 -  2016 đạt 8,4%/năm, cao hơn bình quân cả nước (5,9%/năm); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm trên 72%.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, tiềm năng và lợi thế của các tỉnh duyên hải miền Trung chưa được phát huy đầy đủ, nhiều lực cản còn đang níu kéo sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế miền Trung. Đặc biệt, do không có “hậu phương công nghiệp” và khi đô thị còn kém phát triển, lợi thế cảng biển và nỗ lực phát triển cảng của các tỉnh đang trở thành sự lãng phí to lớn, cản trở phát triển kinh tế vùng.

Theo các chuyên gia kinh tế, các địa phương là càng ra sức đầu tư phát huy lợi thế, sức hấp dẫn đầu tư càng bị phân tán, xu hướng cạnh tranh “cùng xuống đáy” giữa các tỉnh lại càng khốc liệt. Bên cạnh đó, các địa phương vẫn đang “loay hoay” với vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tỉnh nào cũng đặt mục tiêu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, nhưng chân dung cơ cấu rất "nhòe”, không rõ cơ cấu kinh tế hiện đại cụ thể của địa phương mình là gì, càng không rõ cơ cấu kinh tế hiện đại của cả vùng là thế nào. Một thực tế nữa, đây là vùng có nhiều cảng biển, song kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt xấp xỉ 5,5 tỷ USD, chiếm 3,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Kết quả này phản ánh trình độ và năng lực phát triển công nghiệp còn hạn chế của vùng.

Từ thực tế đó, một số chuyên gia đề nghị cần chọn Chu Lai – Dung Quất là tọa độ ưu tiên phát triển công nghiệp – cảng biển và xác lập một số cơ chế, chính sách đặc thù đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư lớn. Đồng thời, ưu tiên phát triển hạ tầng, gồm cả hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin, hạ tầng đô thị - gắn với kết nối quốc tế cho các vùng tọa độ ưu tiên để phát huy các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và đưa kinh tế miền Trung cất cánh cùng cả nước.

PHẠM DANH


 


.