Sản xuất trên cánh đồng lớn: Nông dân thiếu chuyên nghiệp

10:09, 26/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất, cánh đồng lớn còn được xem là “lớp học thực tế” giúp nông dân thay đổi phương thức và ý thức canh tác. Từ đó hình thành tác phong sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp. Nhưng thực tế, mục tiêu này vẫn chưa đạt được sau nhiều năm triển khai...

Có thay đổi...

Vụ sản xuất hè thu 2017, lần đầu tiên nông dân thôn Minh Trung, xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh) thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu.

 Nếu nông dân không chủ động tiếp nhận và thay đổi ý thức sản xuất, cánh đồng lớn vẫn mãi là... mô hình thí điểm!
Nếu nông dân không chủ động tiếp nhận và thay đổi ý thức sản xuất, cánh đồng lớn vẫn mãi là... mô hình thí điểm!


“Lúc đầu cũng bỡ ngỡ, nhưng khi tham gia tập huấn, rồi trực tiếp sản xuất thì tôi thấy cũng đơn giản. Chủ yếu là mình phải thay đổi cách nghĩ và thói quen sản xuất, ứng dụng tốt tiến bộ kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” là được”, ông Lê Đình Dung cho biết. Chính vì vậy, ngoài ruộng mô hình, ông Dung còn mạnh dạn “thực tế hóa” quy trình canh tác lúa thông minh trên các thửa ruộng của gia đình.

Không chỉ sử dụng phân chuồng để bón lót, cày dầm phơi ải để diệt cỏ dại và vệ sinh đồng ruộng, áp dụng phương pháp tưới ướt-ráo để tiết kiệm nước, sử dụng phân bón và thuốc vi sinh... mà ông Dung còn tuân thủ lượng giống gieo sạ là 4 kg/sào, thay vì thói quen 6-7 kg/sào như trước. Kết quả, vụ hè thu 2017, ông Dung không chỉ “trúng” lớn với năng suất bình quân gần 70 tạ/ha, mà còn giảm hơn 30% chi phí sản xuất so với trước.

Trong khi đó, ông Nguyễn Chinh, xã Đức Nhuận (Mộ Đức), cũng khá bất ngờ với kết quả thu được khi áp dụng biện pháp canh tác lúa theo kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”. Tham gia sản xuất trên cánh đồng lớn nhiều lần, nhưng lần nào ông Chinh cũng tự ý thay đổi một vài khâu trong quy trình sản xuất. “Khi thì không dùng phân chuồng để bón lót. Lúc lại thêm giống vì lo tốn công dặm. Có khi lại phòng trừ sâu hại theo kiểu “nhiều phân tốt lúa”, ông Chinh thổ lộ.

Tuy vậy, lần nào ông Chinh cũng thất vọng. Năng suất lúa thu được luôn thấp hơn ruộng xung quanh, lại tốn thêm chi phí sản xuất và thu hoạch. Chính vì vậy, vụ hè thu 2017, ông Chinh đành thử tuân thủ quy trình sản xuất trên cánh đồng lớn. “Chi phí thấp, năng suất cao. Quá trình sản xuất cũng khỏe hơn, vì  không phải thường xuyên giữ nước, rồi bón phân phun thuốc nhiều lần như trước”, ông Chinh bày tỏ.      

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lê Văn Việt, khẳng định: “Canh tác trên cánh đồng lớn là “lớp học thực tế” trong quá trình chuyển giao kỹ thuật và quy trình sản xuất. Qua các “lớp học” như thế, nông dân sẽ dần thay đổi ý thức, hình thành tác phong sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp hơn”.

...nhưng thiếu chuyên nghiệp

Dù vậy, thực tế vẫn có nhiều nông dân thiếu chuyên nghiệp trong quá trình sản xuất.

Dù canh tác trên cánh đồng lớn nhiều năm, nhưng thực trạng “thêm giống, thêm phân” vẫn xảy ra. Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lê Văn Việt cho biết, mô hình lớn thường sử dụng các giống lúa thuần chất lượng, lượng giống gieo sạ đã được tính toán kỹ với 4-4,5 kg/sào. Tuy nhiên, vì tâm lý “sạ dày để trừ hao công dặm”, nên một số nông dân tự ý thêm giống. Điều này dễ khiến dịch hại bùng phát, ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả mô hình.

Một trong những mục tiêu của mô hình canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu là giảm lượng nước tưới. Dù đã được cán bộ kỹ thuật giải thích và hướng dẫn các biện pháp sử dụng nước, nhưng vì lo chuột và một số đối tượng sâu bệnh gây hại, nên nhiều nông dân “giữ” nước liên tục trong ruộng. Hậu quả, cây lúa đẻ nhánh vô hiệu, năng suất đạt được thấp. Mục tiêu của việc chuyển giao kỹ thuật quy trình sản xuất “1 phải, 5 giảm” vì thế cũng không đạt hiệu quả như mong muốn.

Thực trạng đáng báo động hiện nay là việc nông dân “chê” phân chuồng. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, khi tham gia canh tác các mô hình sản xuất lúa thông minh, hay các cánh đồng lớn, chỉ có 30% nông dân sử dụng phân chuồng để bón lót. Số còn lại sử dụng phân vi sinh hoặc phân vô cơ. Việc trừ cỏ dại nông dân cũng phó mặc cho thuốc diệt cỏ, thay vì chủ động áp dụng biện pháp cày dầm phơi ải để cắt mầm như trước. Vì vậy trong những vụ sản xuất gần đây, tình trạng cỏ dại sống chung với lúa ngày càng nhiều. Thậm chí nhiều thửa ruộng chỉ có cỏ dại mà chẳng thấy lúa!

Canh tác trên cánh đồng lớn là bước đột phá trong quá trình chuyển giao kỹ thuật và quy trình sản xuất, nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả. Tuy nhiên, nếu nông dân vẫn không tiếp nhận và thay đổi khi “làm chung” thì cánh đồng lớn vẫn mãi là... mô hình thí điểm!


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.