Nỗi lo mùa lũ

09:09, 05/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi hiện có 108/619 công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp cần khắc phục, sửa chữa và nâng cấp; hơn 70km đê sông và đê ngăn mặn chưa kiên cố hóa bằng bê tông... khiến người dân sống ven biển, sông suối hay vùng hạ lưu hồ chứa nước (HCN) thấp thỏm âu lo mỗi khi bước vào mùa mưa bão.  

Vui nhiều

Nhiều năm nay, dọc dòng sông Vệ thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân hai bên bờ sông. Vì vậy, khi các đoạn bờ sông ngang qua thôn 7, xã Đức Nhuận (Mộ Đức); thôn An Chỉ, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) và thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) được đầu tư kiên cố hóa, hàng trăm hộ dân ở các khu vực trên đã vỡ òa niềm vui. Bởi, từ nay họ không phải sống thấp thỏm và luôn trong tư thế “sẵn sàng di dời” mỗi khi có mưa lũ. “Cứ thấy nước sông Vệ chảy cuồn cuộn, đục ngàu là gia đình tôi lại sắp xếp đồ đạc để đi... ở nhờ. Nhưng từ khi có kè, tôi có thể ngủ ngon rồi”, anh Nguyễn Văn Thành, thôn Thế Bình cho hay.

 Hồ chứa nước Lỗ Thùng (Mộ Đức) thân đất, khả năng tích và giữ nước kém nên không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Hồ chứa nước Lỗ Thùng (Mộ Đức) thân đất, khả năng tích và giữ nước kém nên không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.


Trong khi đó, công trình cống tiết thủy Khê - Hòa (TP.Quảng Ngãi) có vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng, cũng mang niềm vui đến với hàng trăm hộ dân ở các xã Tịnh Khê, Tịnh Hòa, Tịnh Thiện, Tịnh Châu... Vui là bởi, cống tiết thủy kiên cố hóa không chỉ giải thoát cho họ nỗi lo lúa chết do nhiễm mặn, úng, mà còn chia nước với các tuyến kênh lân cận, góp phần hạn chế tình trạng sạt lở, bồi lấp trong mùa mưa bão.

Còn HCN Đá Bàn (Mộ Đức), được đầu tư trên 38 tỷ đồng, toàn bộ thân đập, tràn xả lũ của HCN Đá Bàn đã được kiên cố bằng bê tông, lát đá mái thượng lưu. Cống lấy nước trước đây được xây dựng “nút chai-nước chảy đến đâu mở đến đó cũng đã được khắc phục. Vì vậy, sau khi dự án sửa chữa, khắc phục HCN Đá Bàn hoàn thành, hàng trăm hộ dân vùng hạ lưu HCN đã thở phào nhẹ nhõm mỗi khi bước vào mùa mưa bão.

Lo cũng không ít

Mỗi khi nghe tin có áp thấp nhiệt đới, mưa bão hay nước sông Vệ trở màu đỏ đục, bà Lê Thị Lợi ở khu dân cư 17, thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) lại thấp thỏm âu lo. Nguyên nhân là sông Vệ đã “ngoạm” hết hàng tre, còn con đường đất phía trước nhà cũng nham nhở vì xói lở.

Theo Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp Huỳnh Văn Như, tình trạng sạt lở ven sông Vệ đã ảnh hưởng đến gần 400 hộ dân trong thôn Nghĩa Lập. Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị các cấp quan tâm, nghiên cứu có hướng khắc phục, nhưng đến nay đâu vẫn vào đó.

Cùng với sông Vệ, 60/117 HCN bị hư hỏng, xuống cấp cũng đang đe dọa tài sản, tính mạng của bà con vùng hạ lưu ngay trên thân đập. Hầu hết các HCN đều được xây dựng từ cuối thập niên 80 theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nên sau hơn 30 năm vận hành, chúng cũng đã rệu rã. Các hạng mục như đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước... thì nứt gãy,  nhiều tuyến kênh đất cũng bị bồi lấp, sạt lở không bảo đảm năng lực tải nước. Vì vậy, nguy cơ vỡ đập trong mùa mưa bão là rất lớn.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 2.500 hộ đang sinh sống ở điểm có nguy cơ cao về sạt lở núi, sông, suối và ảnh hưởng của triều cường cần di dời. Nhưng vì nguồn kinh phí hạn hẹp nên chưa có nhiều khu tái định cư được xây dựng. Vì vậy, hầu hết người dân đành phải tiếp tục chung sống với hiểm nguy.

Trước tình hình này, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị và sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trọng tâm là kiện toàn BCH PCLB&TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”; kiểm tra và gia cố, sửa chữa các công trình xung yếu; chủ động lập phương án di dời người dân vùng sạt lở đến nơi an toàn; đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức ứng phó với thiên tai cho người dân... nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản.


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.