Nhà vườn vào vụ hoa Tết

08:09, 23/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, nông dân ở xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa Hiệp, thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa), Đức Nhuận (Mộ Đức) đã chuẩn bị xuống giống vụ hoa Tết. Rút kinh nghiệm những năm trước, bà con đã tìm nhiều cách trồng để tránh bị ngập lụt.

Khẩn trương xuống giống

Tranh thủ những ngày có mưa, vợ chồng ông Hồ Sốt, thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp cho đất vào chậu và khẩn trương trồng hoa cúc. Theo ông Sốt, nhờ mưa, chúng tôi ai cũng vội làm đất rồi xuống giống. Nếu xuống giống mà gặp nắng thì phải tưới nước thường xuyên, đã vậy còn sợ cây con bị héo, mất sức, chậm phát triển”.

Người trồng hoa đang hối hả vào đất, bón phân để kịp vụ hoa Tết.
Người trồng hoa đang hối hả vào đất, bón phân để kịp vụ hoa Tết.


Năm nay, vườn hoa giống của ông Nguyễn Đình Cự, thôn Mỹ Hòa, xã Nghĩa Mỹ đã được đặt hàng từ rất sớm. Vì theo ông Cự, vụ cúc chia thành hai đợt. Đợt đầu trồng từ sau rằm tháng 7, với những loại chậu có đường kính từ 60cm trở lên. Còn những loại chậu đường kính từ 50cm trở xuống thì trồng từ đầu tháng 8. “Khi nhập giống từ Đà Lạt về, mình phải nhân giống ra. Sau khi trồng lứa đầu tiên, số giống còn lại sẽ được trồng ở lứa thứ hai. Làm như vậy mới tiết kiệm được giống, đỡ tốn chi phí ban đầu”, ông Cự cho biết.

Theo chủ nhà vườn, nông dân bắt đầu trồng hoa Tết từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8 (âm lịch) thì hoàn thành. Theo đó, việc chuẩn bị chậu, phân bón, đất là khâu đầu tiên và quan trọng phải làm hết sức kỹ lưỡng. Tiếp đến là khâu chọn giống. Ngoài ra, để giữ nhiệt độ cho vườn hoa, các chủ vườn thường kéo điện, thắp đèn cho cây đủ độ sáng để sinh trưởng. Bên cạnh việc xuống giống trồng cúc, nhiều nhà vườn còn trồng xen các loại hoa như hồng, lay ơn, vạn thọ... để cung ứng cho thị trường hoa Tết.

Trồng hoa chống lũ

Những năm lũ lớn, hầu hết người trồng hoa ở Tư Nghĩa, Mộ Đức... đều “trở tay không kịp”, làm thất thu vụ hoa Tết. Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay nhiều nông dân có cách để vừa trồng hoa, vừa tránh lũ.

Ông Cao Minh Ngọc, ở khối 2, thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa), cho biết: “Năm nay, tôi thuê mảnh đất cao ráo trên gò để trồng hoa. Bước đầu vận chuyển đất, phân tuy khó, nhưng sau này lỡ có mưa lũ cũng không sợ. Những năm trước, mình chủ quan, nên trở tay không kịp”.

Ngoài ông Ngọc, nhiều người trồng hoa ở những vùng chuyên canh hoa Tết đã biết cách chống lũ như đôn cao chậu, trồng ở những gò, đồi cao... Sát vườn của ông Ngọc, vườn cúc của ông Võ Thành Phước cũng được “trang bị” thêm đế cho mỗi chậu hoa. Theo ông Phước, năm nay người dân tốn thêm một khoản tiền mua đế đôn cao các chậu hoa, để tránh ngập úng. “Mỗi chậu đặt trên mỗi đế cách mặt đất từ 30- 35cm mới mong khỏi ngập nước khi gặp mưa to. Tuy tốn chi phí hơn mọi năm, nhưng chúng tôi cũng đỡ lo lắng”, ông Phước cho hay.

Tuy nhiên, ngoài việc trồng hoa chống lũ, “địa phương và người trồng hoa rất mong các cấp quan tâm, tạo điều kiện để được tiếp cận các nguồn vốn lãi suất thấp hỗ trợ thêm trong việc trồng hoa. Bên cạnh đó, cần mở các lớp tập huấn về chăm sóc, kỹ thuật, để giúp bà con hiểu hơn về cách thức trồng hoa đại trà”, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ Nguyễn Công Binh nói.
 

Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU
 


.