Giao đất rừng cho những hộ thiếu đất: Còn nhiều khó khăn

08:09, 04/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có khoảng 8.000 hộ gia đình trên địa bàn 6 huyện miền núi thiếu đất sản xuất. Trong khi đó, quỹ đất lâm nghiệp thì lại “dư” đến hơn 19.000ha...

TIN LIÊN QUAN

Quỹ đất còn, nhưng dân thiếu đất sản xuất

Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh, đến nay đã có 52.621 hộ gia đình dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn gần 8.300 hộ thiếu hoặc chưa có đất sản xuất, với diện tích có nhu cầu cần sử dụng là 4.916ha. Trong đó, hộ gia đình dân tộc thiểu số thiếu đất hoặc chưa có đất sản xuất chiếm hơn 70%.

Cần đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất, để bà con đầu tư trồng rừng, phát triển cây lâm nghiệp vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cần đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất, để bà con đầu tư trồng rừng, phát triển cây lâm nghiệp vươn lên thoát nghèo bền vững.


Trong 6 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh, huyện Sơn Hà có số hộ gia đình thiếu đất hoặc chưa có đất sản xuất đông nhất, với diện tích cần cấp là 1.415ha. Tiếp đến là các huyện Ba Tơ 1.300ha, Minh Long 1.000ha, Trà Bồng 600ha, Sơn Tây 431ha và Tây Trà 102ha.

Để bố trí quỹ đất cho các hộ thiếu hoặc chưa có đất sản xuất, Sở TN&MT đã làm các thủ tục thu hồi phần diện tích đất của các công ty lâm nghiệp sử dụng không hiệu quả, hoặc không sử dụng và chuyển đổi một số diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất, nhằm bàn giao cho các UBND huyện lập phương án giao đất cho người dân. Tổng diện tích đất lâm nghiệp dành để lập phương án giao đất cho dân trên địa bàn 6 huyện miền núi là 19.533ha. Với định mức mỗi hộ gia đình là 6.000m2, thì con số 19.533ha này “dư sức” cân đối cho các hộ gia đình thiếu hoặc chưa có đất sản xuất của 6 huyện miền núi.
 

"Người đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất là một vấn đề gây ra nhiều bức xúc tại hầu hết các địa phương hiện nay. Để đảm bảo quyền lợi của người dân, cũng như an ninh trật tự trên địa bàn, tỉnh Quảng Ngãi cần chỉ đạo quyết liệt tất cả các cơ quan, ban ngành, địa phương liên quan để cùng tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng cho người dân".
Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm NGUYỄN HỮU THIỆN

Nhiều rào cản trong giao đất, giao rừng

Sau khi làm các thủ tục thu hồi, chuyển đổi và đã có được quỹ đất lâm nghiệp với diện tích 19.533ha để cân đối, cấp cho các hộ thiếu hoặc chưa có đất sản xuất, Sở TN&MT đã phối hợp với Sở Tài chính và UBND các huyện tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để các địa phương thực hiện công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính và lập phương án giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân. Dự kiến, công tác giao đất cho các hộ thiếu đất sẽ hoàn thành trong năm 2017. Song, trên thực tế, việc giao đất lâm nghiệp cho các hộ thiếu đất hoặc chưa có đất trên địa bàn miền núi lại gặp rất nhiều khó khăn.

Chủ tịch UBND xã Sơn Thành (Sơn Hà) Đinh Quang Tiêm, cho biết: Số hộ gia đình, cá nhân thiếu đất sản xuất trên địa bàn phát sinh trong những năm gần đây tăng nhanh từ việc tách hộ, dẫn đến tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất diễn ra phức tạp. Mặt khác, hiện nay diện tích rừng phòng hộ đã chuyển qua rừng sản xuất để cấp cho các hộ thiếu hoặc chưa có đất sản xuất, đã có tình trạng người dân tự ý canh tác, hoặc người dân địa phương khác đến xâm canh, nên rất khó thu hồi, xử lý và giao lại đất cho những hộ thiếu đất thực sự.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Phí Quang Hiển cũng thừa nhận, quỹ đất trên chỉ là con số trên giấy tờ, còn thực tế, nhiều diện tích đang được người dân tự ý sử dụng, khai thác, nên trong thời gian đến, công tác triển khai, thu hồi sẽ phát sinh nhiều vướng mắc liên quan đến tài sản trên đất, khiến nhiều địa phương gặp khó. Ngoài ra, quỹ đất lâm nghiệp dự kiến sử dụng để cấp cho người dân thiếu hoặc chưa có đất sản xuất này lại phân tán, không tập trung. Nơi có hộ thiếu đất sản xuất thì lại không có quỹ đất, còn nơi có quỹ đất thì lại không có hộ thiếu đất. Đây cũng là một bất cập, rào cản trong thực tế triển khai giao đất, giao rừng.        
  

Bài, ảnh: Ý THU

 


.