Chính sách cần sát thực tiễn

09:09, 25/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghị định 89, Nghị định số 172 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 (NĐ) đã tạo hành lang gồm nhiều nhóm chính sách phát triển thủy sản mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn tồn tại những vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung.

TIN LIÊN QUAN

Vẫn còn “điểm nghẽn”

Ba năm qua, mục tiêu của chính sách về hiện đại hóa tàu cá bước đầu đạt kết quả, thể hiện qua thực hiện chính sách vay vốn tín dụng để đóng mới, nâng cấp tàu cá. Tính đến 15.7.2017, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn Quảng Ngãi đã ký hợp đồng tín dụng đóng mới 41 tàu cá, cam kết cho vay trên 330 tỷ đồng, giải ngân gần 267 tỷ đồng.

 

 

Nhiều ngư dân lựa chọn đóng tàu vỏ gỗ theo Nghị định 67.
Nhiều ngư dân lựa chọn đóng tàu vỏ gỗ theo Nghị định 67.

Tuy nhiên, do lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép, nên nhiều ngư dân lúng túng trong việc chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế và giám sát thi công. Bên cạnh đó, công tác đăng kiểm còn thiếu về nguồn lực, yếu về trình độ... gây khó khăn cho nhiều ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước.

Mặt khác, việc cân đối, bố trí kinh phí cho ngành thủy sản chưa đúng quy định, còn dàn trải, ảnh hưởng đến tiến độ và khả năng đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão, đặc biệt là nơi neo đậu đối với các tàu cá có kích thước lớn, tàu vỏ thép...

Một bất cập khác, ngư dân đề nghị được vay vốn bổ sung vượt dự toán ban đầu, do có sự điều chỉnh thiết kế, hoặc do khối lượng vật tư thực tế vượt dự toán chưa được thực hiện. Trường hợp tàu đóng xong đi vào hoạt động bị bắt, bị xử phạt, một số trường hợp bị tịch thu, nhưng chưa có phương án xử lý thu hồi vốn để bảo toàn vốn vay cho ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, năm 2017 do hướng dẫn chậm, các doanh nghiệp bảo hiểm không tiếp tục thực hiện bán bảo hiểm theo NĐ 67, làm cho các ngân hàng thương mại không giải ngân cho các tàu đang đóng, hoặc ngư dân có tàu đã đóng xong, nhưng không có bảo hiểm, nên không đi biển được. Ngoài ra, việc vận hành tàu vỏ thép hiện đại còn hạn chế. Một số ngư dân chưa phát huy tính năng kỹ thuật của các trang thiết bị trên tàu trong quá trình khai thác hải sản...

Cần đưa chính sách sát với thực tiễn

Nhằm tạo ra những đột phá mạnh mẽ hơn, giúp ngư dân tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay theo NĐ 67 hiệu quả, mới đây, tại Hội thảo “Sửa đổi NĐ 67 - những vấn đề cần đặt ra” diễn ra tại Đà Nẵng, đã đưa ra nhiều đề xuất sửa đổi phù hợp hơn với tình hình thực tế. Đơn cử, chính sách hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu cá nên chuyển từ hỗ trợ lãi suất vay đóng mới, sang chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá theo hình thức hỗ trợ một lần sau đầu tư theo Quyết định 47/2016/QĐ-TTg.

Ngoài ra, một số ý kiến đề xuất Chính phủ cần sớm xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ 67, quy định thêm một số vấn đề như: Hỗ trợ chi phí giám sát đóng tàu, để chủ tàu thuê tư vấn đủ năng lực giám sát quá trình đóng tàu đảm bảo chất lượng; hỗ trợ về đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 trở lên cho tàu cá đóng mới theo NĐ 67; quy định cơ chế xử lý đối với các trường hợp bất khả kháng...

Theo lãnh đạo các ngân hàng, việc cho vay đối với tàu vỏ thép phải phù hợp với từng đối tượng, không thể cho vay đại trà. Theo đó, những doanh nghiệp, hợp tác xã, nghiệp đoàn là các đối tượng có năng lực quản lý, vận hành khai thác, cũng như tiềm lực tài chính để tạo ra sự gắn kết giữa các tàu đánh bắt trên biển.

Cùng với đó, cần duy trì chính sách bảo hiểm đối với con tàu tương ứng, với thời gian vay vốn theo quy định tại NĐ 67, như 11 năm đối với tàu vỏ gỗ, hoặc tàu được nâng cấp; 16 năm đối với tàu vỏ thép, hoặc vỏ vật liệu mới đóng mới. Đồng thời cần xem xét cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tham gia chính sách bảo hiểm tàu cá theo NĐ 67, để ngư dân có nhiều lựa chọn khi tham gia mua bảo hiểm.

Đặc biệt, ngành chức năng cần ban hành bộ thông tin chuẩn về thiết kế, công suất máy, dự toán giá trị tàu, trang thiết bị hàng hải, ngư lưới cụ, thời gian hoạt động bình quân/năm... cho lĩnh vực đóng mới, nâng cấp tàu. Đây là cơ sở để ngân hàng, người dân có định hướng trong đầu tư, tránh việc lợi dụng cho vay, đi vay vượt quá định mức, gây lãng phí vốn lại không hiệu quả.


Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.