Canh bạc chim trời

07:09, 30/09/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Nói đến chim yến, người ta nghĩ ngay đến nguồn lợi kinh tế có giá trị rất cao là tổ yến. Chính vì thế những năm gần đây, phong trào xây nhà nuôi yến phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, nghề nuôi yến cũng đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức và không ít người ví nghề này giống như "đánh bạc với  trời”. 

TIN LIÊN QUAN

Lợi nhuận lớn nhưng… không dễ
 
Nuôi chim yến trong nhà được xem là nghề “hái ra vàng”. Trước sự hấp dẫn từ nguồn lợi kinh tế mà nghề nuôi chim yến mang lại, trong những năm gần đây, từ phố thị cho đến nông thôn trong tỉnh, ngày càng có nhiều những ngôi nhà yến xuất hiện.
 
Thống kê chưa đầy đủ của các địa phương, trong tỉnh hiện có khoảng trên 250 nhà nuôi chim yến. Bên cạnh những hộ gia đình tận dụng tầng 2-3 của ngôi nhà đang ở để nuôi yến (tầng trệt ở sinh hoạt, kinh doanh) thì cũng có không hộ gia đình bỏ tiền tỷ để xây dựng những căn nhà lầu 2-3 tầng chuyên biệt dành để nuôi yến. 
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu có sẵn nhà, hộ nuôi chim yến chỉ cần đầu tư thêm khoảng 200- 300 triệu đồng nâng tầng, lắp giá gỗ cho chim đậu, hệ thống loa “dụ” chim, vòi phun nước tạo độ ẩm... là nuôi được. Còn nếu đầu tư ban đầu từ mua đất, xây nhà nuôi yến, phí chuyển giao công nghệ, mua thiết bị âm thanh, chất dẫn dụ… người nuôi phải bỏ ra số tiền không dưới 1 tỷ đồng. Sau khi bỏ tiền tỉ ra xây nhà, hằng tháng chủ nhà yến còn phải tốn thêm khoảng 700- 1 triệu đồng cho chi phí điện, nước. 
 
“Nuôi chim yến là nghề rất đặc biệt, bởi người nuôi chỉ tốn tiền chi phí đầu tư ban đầu, còn lại mọi chi phí khác như giống, thức ăn không phải mua, thế nhưng sản phẩm có giá trị rất cao, hiện trên thị trường giá tổ chim yến dao động từ 25 triệu đến 30 triệu đồng/kg. Gia đình nào nuôi yến thành công có thể doanh thu đạt từ 200 đến 400 triệu đồng một năm”- ông Nguyễn Hữu Dũng- một người có thâm niên trong nghề nuôi chim yến ở TP. Quảng Ngãi cho hay. Với sức hấp dẫn như vậy, nên ngày càng có nhiều hộ tham gia nuôi chim yến là điều dễ hiểu.
 
Nhà nuôi chim yến ngày càng mọc lên nhiều ở các vùng quê
Nhà nuôi chim yến ngày càng mọc lên nhiều ở các vùng quê.
 
Không thể phủ nhận, đến nay đã có người giàu lên nhờ nuôi yến thành công. Tuy nhiên, thực tế không phải ai cứ có tiền đầu tư là thành công mà còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác, trong đó đặc biệt là vấn đề kỹ thuật và sự may mắn. Bản thân những người đầu tư xây nhà nuôi yến cũng thừa nhận nghề này chứa đựng rủi ro cao. 
 
“Thoạt nhìn tưởng nuôi chim yến dễ, nhưng thực ra rất khó. Nó không chỉ yêu cầu về nơi cư trú mà còn đòi hỏi phải đầu tư về công nghệ và nuôi yến một cách khoa học. Thực tế, đúc kết kinh nghiệm từ công việc nuôi yến của mình, tôi thấy nhiều trường hợp nhà xây xong chưa chắc yến đã vào. Song, yến vào nhà chưa chắc đã ở và làm tổ. Chính vì vậy, tỷ lệ  thành bại của nghề nuôi chim yến là 50/50, quan trọng là sự may mắn của người nuôi”- ông Lê Đến- một hộ nuôi yến  ở xã Tịnh Hòa (TP. Quảng Ngãi) cho hay.
 
Chính sự may rủi quyết định một phần trong sự thành công của nghề nuôi chim yến nên không ít người đã đổ cả đống tiền để xây nhà, “trang trí nội thất”, thuê kỹ thuật viên… nhưng chờ dài cổ, hết tiền, mỏi mòn công sức mà yến vẫn không vào, hoặc vào… đôi cặp. 
 
Chẳng hạn như ông Huỳnh Văn Lâm ở huyện Sơn Tịnh, khi thấy nghề nuôi chim yến  có thu nhập cao nên ông cũng quyết định bỏ ra số tiền gần 1 tỷ đồng để xây dựng căn nhà 3 tầng trên mảnh đất trong vườn nhà để nuôi loại chim trời này với kỳ vọng sẽ nhanh chóng làm giàu.  
 
Tuy nhiên, trái với những kỳ vọng của ông, hơn 3 năm qua, dù đã miệt mài phát âm thanh gọi yến và sửa đi sửa lại nhà nuôi nhiều lần, nhưng nhà yến của ông chỉ thu hút vài chục cặp đến ở. Số lượng tổ thu được ít nên ông chỉ để dùng trong gia đình và biếu cho người thân.  So sánh với chi phí bỏ ra, ông Lâm than vãn không biết tới bao giờ nào mới thu hồi được vốn. 
 
Để dẫn dụ được chim yến vào ở và làm tổ trong nhà là một sự kỳ công và kèm theo đó là sự may rủi
Để dẫn dụ được chim yến vào ở và làm tổ trong nhà là một sự kỳ công và kèm theo đó là sự may rủi.
 
 
Số tiền bỏ ra là rất thật nhưng chuyện có thu hồi vốn hay không lại là chuyện không ai biết. Nhiều người nuôi chim yến hiện nay đang rơi vào tình cảnh “bỏ thì thương mà vương thì tội” giống như ông Lâm. Bởi, nếu tiếp tục đầu tư công sức, thời gian dẫn dụ yến cũng chưa chắc đã vào, còn bỏ hẳn thì lại không thể thu hồi vốn. Trong khi đó, nhà yến cũng không thể cải tạo thành nhà ở vì nhà nuôi yến xây dựng sơ sài, kết cấu không chắc chắn.
 
Cần thận trọng khi đầu tư
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, đối với nghề này, những người nuôi chim yến thành công thường không bao giờ truyền “bí quyết” cho người khác nên không dễ gì thâm nhập để mà làm theo. Do đó, đa phần những hộ nuôi chim yến hiện nay chỉ học lõm từ người khác hoặc qua sách báo, ít nắm được hết những kỹ thuật nuôi yến một cách rõ ràng  mà chỉ phụ thuộc vào các dịch vụ tư vấn với công nghệ dẫn dụ chim tự nhiên vào nhà làm tổ. Vì thế, mỗi người nuôi đang theo cách của mình, nếu may mắn thuận lợi, yến về làm tổ nhiều thì hiệu quả kinh tế cao còn ngược lại rất dễ bị thất bại. 
 
Để nuôi chim yến thành công, theo anh Nguyễn Anh Thiên- một những người nuôi yến có kinh nghiệm ở phường Nghĩa Lộ, TP. Quảng Ngãi chia sẻ: Nghề này nó đòi hỏi người nuôi phải có sự kiên trì, say mê, nắm vững kỹ thuật và có hiểu biết nhất định về các đặc điểm sinh học của loài chim để không ngừng chỉnh sửa cho nhà yến của mình ngày càng hoàn thiện. 
 
“Để dẫn dụ được chim yến, trước hết phải xem nơi mình ở có nằm trên đường yến bay ngang qua hay vùng kiếm ăn của chúng hay không, rồi mới đầu tư xây nhà nuôi. Trong đó, nhà phải có chiều cao nhất định để không vướng khoảng không chim bay lượn, gỗ sử dụng phải là loại gỗ đạt chuẩn…
 
Đặc biệt, lưu ý, ngoài các yếu tố khác như thiết kế nhà nuôi, kỹ thuật tạo mùi… thì yếu tố quan trọng nhất để dẫn dụ được yến là kỹ thuật âm thanh. Người mới bắt đầu nuôi cần phải tìm hiểu kỹ và thuê những người làm kỹ thuật có kinh nghiệm hướng dẫn thì cơ hội thành công sẽ  cao hơn”- anh Thiên bày tỏ. 
 
Người nuôi cần tình toàn kỹ trước khi bước chân vào nghề được xem là may ít, rủi nhiều này
Người nuôi cần tính toàn kỹ trước khi bước chân vào nghề được xem là may ít, rủi nhiều này.
 
Với nghề nuôi yến thì vốn đầu tư ban đầu là khá lớn. Do quá kỳ vọng vào lợi nhuận đem lại của việc nuôi chim yến, nhiều hộ dân không có nguồn vốn lớn phải vay mượn, thế chấp tài sản để xây dựng nhà yến mà quên rằng trung bình sau 1- 2 năm từ khi bắt đầu đưa nhà yến vào hoạt động mới bắt đầu có được thu hoạch. Vì thế, không ít hộ nuôi yến phải “gồng mình” để trả tiền lãi ngân hàng và các chi phí khác phát sinh. 
 
Theo kinh nghiệm của dân trong nghề, một căn nhà nuôi chim yến phải có từ 300 con chim trở lên và phải mất 2 năm sau khi nhà nuôi chim đi vào hoạt động mới có thể đánh giá mức độ thành công. Đồng thời, hiệu quả đầu tư nuôi yến hiện không còn cao, phải tới 10 năm mới lấy lại vốn thay vì 5 năm như trước. 
 
“Trước khi đầu tư vào nghề may ít rủi nhiều này, người nuôi và tính toán kỹ và đặc biệt không nên vay vốn ngân hàng để làm nhà nuôi yến vì nghề này mang tính rủi ro cao, nếu thất bại sẽ khiến cho người nuôi phá sản, thậm chí lâm nợ nặng”- ông Lê Đến chia sẻ. 
 
Bảo Ngọc

.