Vùng nghèo Sơn Hà vươn lên

09:08, 04/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên (KVTN) triển khai tại huyện Sơn Hà, đến nay đã hơn hai năm rưỡi. Tuy gặp khó khăn về địa hình, thời tiết bất lợi, nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu... song dự án vẫn đạt nhiều kết quả, góp phần giúp cuộc sống người nghèo dần ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.


Dự án Giảm nghèo KVTN triển khai tại 36 thôn thuộc các xã  Sơn Nham, Sơn Thành, Sơn Linh, Sơn Cao, Sơn Kỳ của huyện Sơn Hà. Đây là các xã đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiếu số. Hộ nghèo, cận nghèo chiếm gần 46% .

Mục tiêu của dự án nhằm cải thiện đời sống, tăng thêm các cơ hội việc làm, thu nhập và đa dạng hoá sản phẩm nông - lâm nghiệp, ngành nghề và thị trường tiêu thụ sản phẩm cho dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, góp phần phát triển sinh kế, tạo thêm các dịch vụ thị trường, y tế, văn hoá, giáo dục, giúp người dân vùng dự án giảm nghèo một cách bền vững.

Góp phần hoàn thiện hạ tầng

Trong hơn hai năm qua, Dự án Giảm nghèo KVTN đã đầu tư cho Sơn Hà hơn 34 tỷ đồng để thực hiện 63 công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, nhà văn hóa cộng đồng... tại 5 xã nói trên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ kiểm tra thực tế Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại xã Sơn Nham (Sơn Hà).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ kiểm tra thực tế Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại xã Sơn Nham (Sơn Hà).


Đến nay Sơn Hà đã xây dựng hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 30 công trình giao thông, điện, nhà văn hóa, nước sinh hoạt và công trình thủy lợi (còn 33 công trình đang thi công, dự kiến đến hết tháng 12.2017 hoàn thành).

Theo thống kê của BQL dự án huyện Sơn Hà, có gần 6.000 hộ gia đình đã tiếp cận hạ tầng tốt hơn. Nhiều con đường trung tâm xã, đường đến trường được bê tông, chấm dứt tình trạng “nắng bụi, mưa bùn”, tạo thông thương và nâng cao giá trị nông sản. Các công trình nhà văn hóa đã giúp 778 hộ có nơi sinh hoạt, hội họp.

Các công trình thủy lợi có 317 hộ hưởng lợi gián tiếp, đảm bảo nguồn nước tưới ổn định cho khoảng 30ha lúa nước sản xuất 2 vụ. Công trình nước sinh hoạt, điện giúp cho gần 100 hộ dân hưởng lợi trực tiếp, cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe, bảo đảm an sinh xã hội... Chủ tịch UBND xã Sơn Linh Đinh Văn, cho biết: “Dự án triển khai, người dân nghèo Sơn Linh được cấp bò, heo để nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập. Nhiều tuyến đường  nông thôn hư hỏng đã được bê tông, tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Nhân dân phấn khởi lắm!”.
 

Sau hai năm rưỡi thực hiện Dự án Giảm nghèo KVTN, nguồn lực đầu tư từ dự án đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dự án mỗi năm 3%. Gần 100% số hộ hưởng lợi hài lòng với việc lựa chọn, thiết kế và thực hiện các hoạt động của dự án. Sinh kế của dự án giúp dân có thu nhập tăng thêm trung bình từ mức 2 - 5 triệu đồng/năm, đạt mục tiêu đề ra.

Trao sinh kế cho hộ nghèo

Dự án Giảm nghèo KVTN tại Sơn Hà đã triển khai 206 tiểu dự án, thuộc lĩnh vực lương thực, dinh dưỡng, với 2.172 hộ hưởng lợi và đa dạng hóa sinh kế. Tổng kinh phí đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Trong đó tập trung chủ yếu vào các mô hình sản xuất lúa nước, bắp, nuôi gà thả vườn, nuôi bò sinh sản, dê, heo, cá nước ngọt; trồng nấm, chuối, nghệ vàng.

Trước khi triển khai các tiểu dự án này, BQL dự án tập huấn kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, dinh dưỡng, sinh kế và thu nhập nông hộ. Tùy theo mô hình sản xuất và đã áp dụng vào trong quá trình sản xuất của gia đình, gắn kết cộng đồng nhóm hộ, chia sẻ kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi.

Ngoài ra, Sơn Hà còn triển khai mô hình can thiệp dinh dưỡng với 1.200 hộ tham gia, để hỗ trợ giống rau xanh; nuôi gà đẻ trứng, giúp cải thiện bữa ăn hằng ngày cho gia đình. Phụ nữ mang thai và bà mẹ có trẻ em suy dinh dưỡng được tập huấn về cách chăm sóc sức khỏe sinh sản khi mang thai và nuôi con nhỏ. Mô hình nấu ăn dinh dưỡng, cân đo tư vấn hằng tháng, khắc phục dần tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi... Đây là những mô hình rất thiết thực, góp phần tạo cho người dân những sinh kế, nâng cao đời sống cho phụ nữ nghèo và trẻ em tại các xã dự án.

Mô hình sản xuất lúa nước do dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ cho người dân thôn Bồ Nung (Sơn Kỳ).
Mô hình sản xuất lúa nước do dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ cho người dân thôn Bồ Nung (Sơn Kỳ).


Theo đánh giá của BQL dự án huyện Sơn Hà, mô hình  nuôi bò sinh sản và trồng lúa nước là hiệu quả nhất. Điển hình là nhóm nuôi bò sinh sản ở Làng Rê (Sơn Kỳ). Nơi đây người dân đã cùng nhau làm, tạo ra hiệu quả rõ rệt. Nhóm này thành lập vào đầu năm 2015, có 10 thành viên, được dự án hỗ trợ 10 con bò giống sinh sản, vật tư làm chuồng, trồng cỏ. Sau hơn hai năm, đàn bò tăng lên 28 con, tăng gần hai lần so với số bò hỗ trợ ban đầu.

Điều khác biệt

Dự án Giảm nghèo KVTN ở Sơn Hà, có khác biệt với một số dự án giảm nghèo khác trong “trao sinh kế cho dân nghèo”. Đó là việc hỗ trợ thực hiện theo nhu cầu cấp thiết của người dân. Người dân được quyền tự đề nghị và tổ chức lập thành từng nhóm cùng sở thích, nhu cầu. Sau đó, nhóm này chủ động đề xuất, tự tìm nguồn cung cấp và ký kết hợp đồng dịch vụ kỹ thuật, vật tư, con giống. Với cách làm này đã tăng tính tự chủ, giúp người dân tính toán cách làm ăn, biết sử dụng đồng vốn hiệu quả.

 Tiểu dự án sinh kế nuôi dê tại xã Sơn Kỳ.
Tiểu dự án sinh kế nuôi dê tại xã Sơn Kỳ.


Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án vẫn còn nhiều tồn tại ở khâu tham vấn lập kế hoạch, xây dựng đề xuất, phê duyệt, thẩm định, triển khai thực hiện. Vì vậy, trong chặng đường gần hai năm rưỡi còn lại, BQL dự án phối hợp với chính quyền địa phương tập trung khắc phục hạn chế này, nâng cao năng lực đội ngũ thực hiện dự án; đẩy mạnh phát triển sinh kế, tạo liên kết thị trường, xây dựng chuỗi giá trị cao; công khai, minh bạch về các hoạt động của dự án...

Phó Chủ tịch UBND huyện Phùng Tô Long - Giám đốc BQL Dự án Giảm nghèo KVTN huyện Sơn Hà, cho biết: BQL dự án kiến nghị Ngân hàng Thế giới, Ban điều phối Trung ương, BQL dự án tỉnh xem xét bổ sung một số xã giáp Tây Nguyên của huyện Sơn Hà có tỷ lệ hộ nghèo cao vào diện đầu tư của dự án, gồm xã Sơn Ba, Sơn Thủy, Sơn Hạ, Sơn Bao, Sơn Thượng; điều chỉnh việc hỗ trợ các sinh kế theo hướng người dân tham gia đối ứng một phần kinh phí để có trách nhiệm, tích cực, nỗ lực hơn khi tham gia dự án. Đồng thời, tỉnh phê duyệt kế hoạch hằng năm sớm để phù hợp với thời tiết, nhằm giải ngân đạt kế hoạch và đảm bảo chất lượng, hiệu quả của dự án.


Bài, ảnh: Thanh Nhị

 


.